Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch không theo kịp thực tế: Nơi thiếu chợ, chỗ lại bỏ hoang

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phát triển hệ thống bán lẻ thời gian qua TP Hà Nội đã cải tạo, xây mới nhiều khu chợ truyền thống, tuy nhiên các chợ này lại không thu hút được người bán lẫn người mua thậm chí bỏ hoang...

Nguyên nhân là do hệ thống chợ chưa theo kịp quy hoạch phát triển đô thị, cơ chế, chính sách không đủ hấp dẫn nhà đầu tư, sự đồng thuận của tiểu thương.

Nhiều chợ bị bỏ hoang

Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu chợ dân sinh đang là một thực tế trên địa bàn Hà Nội. Trong khi tại nhiều khu dân cư, một loạt khu đô thị mới, tái định cư đang thiếu một khu chợ để phục vụ cư dân thì tại một số quận, huyện lại xảy ra tình trạng chợ bỏ hoang sau khi xây mới, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất.

Chợ Tây Mỗ, phường Tây Mỗ bị bỏ hoang, xuống cấp. Ảnh: Thành Luân
Chợ Tây Mỗ, phường Tây Mỗ bị bỏ hoang, xuống cấp. Ảnh: Thành Luân

Đơn cử như tại quận Nam Từ Liêm. Năm 2016 trên địa bàn phường Phú Đô đã khởi công xây dựng chợ dân sinh theo Quyết định số 3551/QĐ-UBND ngày 12/11/2014 với số vốn đầu tư 18 tỷ đồng, sau gần 10 tháng thi công, dự án này cơ bản đã được hoàn thành. Tuy nhiên, từ đó đến nay, công trình vẫn không được đưa vào sử dụng nên nhiều hạng mục đã xuống cấp có dấu hiệu bị hư hỏng. Ngoài ra, còn rất nhiều chợ dân sinh khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang trong tình trạng tương tự như chợ Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) được xây dựng từ năm 2016 đến nay cũng không thể đi vào hoạt động.

Chưa hết, trên địa bàn Hà Nội còn có một số chợ, trung tâm thương mại mặc dù đã được xây mới nhưng đều ế khách, hoạt động cầm chừng. Điển hình là chợ Hàng Da, mặc dù nằm ở vị trí đắc địa ngay tại trung tâm quận Hoàn Kiếm, song cũng đìu hiu vắng bóng người kinh doanh sau khi chuyển đổi từ chợ truyền thống sang mô hình trung tâm thương mại. Hiện tại chợ Hàng Da chỉ hoạt động cầm chừng bán thực phẩm tươi sống tại khu vực tầng hầm, còn các gian hàng tại tầng 1,2,3 hầu như đóng cửa không kinh doanh.

Lý giải nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh tại hệ thống chợ, trung tâm thương mại trở nên vắng vẻ, đìu hiu sau khi được cải tạo, xây mới Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho biết, việc TP Hà Nội cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ là chủ trương đúng đắn đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và đời sống của người dân.

Tuy nhiên từ quy hoạch cho đến thực tế lại là một câu chuyện khác bởi các chủ DN khi đấu thầu cải tạo, xây mới đều nhắm tăng giá trị bất động sản là chủ yếu. Điều đó dẫn đến việc quy hoạch, cải tạo chợ bị biến tướng theo hướng sau khi cải tạo thì không còn là chợ nữa mà trở thành những khu văn phòng cho thuê, chung cư cao tầng như chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam. “Khi cải tạo chợ, các nhà thầu mới chỉ đưa ra bản vẽ quy hoạch để phục vụ cho lợi ích của chủ thầu. Không phù hợp với quy hoạch chung của TP” - ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Đồng tình với phân tích này, nguyên Chủ tịch Hiệp hội DN bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu thông tin, việc đô thị hóa diễn ra quá nhanh, không thể bắt kịp với hoàn cảnh xã hội nên một số chợ lại có giá thuê lô sạp kinh doanh khá cao so với mặt bằng chung nên các tiểu thương không vào kinh doanh mà bám trụ tại chợ cóc, chợ tạm.

Cần quy hoạch phù hợp

Theo các chuyên gia kinh tế, để khắc phục được những bất cập này đòi hỏi TP Hà Nội phải có quy hoạch ngành bán lẻ, sử dụng đất, qua đó tạo cơ sở pháp lý trong việc thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này.

Tại Hội nghị Giao ban công tác quản lý Nhà nước về công thương cấp huyện do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Nam cho biết, mặc dù Nhà nước đã đồng ý sử dụng một phần vốn ngân sách đầu tư xây dựng chợ, quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn về giá đất, tiền thuê đất. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng không dễ dàng do gặp nhiều vướng mắc liên quan đến đầu tư xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền thuê đất…

“Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội và các sở, ngành liên quan nên có mẫu quy hoạch, thiết kế cơ bản của chợ như diện tích sạp hàng, bãi giữ xe, đường giao thông… để sau khi được đầu tư xây dựng, cải tạo sẽ tạo thuận lợi cho người dân kinh doanh, mua sắm và đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt các đơn vị quy hoạch phải có tầm nhìn, định hướng phát triển trong tương lai rõ ràng chứ không thể đưa chợ ra một địa điểm hiu quạnh, không có người ra vào, không thuận tiện kinh doanh ”- ông Nguyễn Văn Nam kiến nghị.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường thông tin, hiện nay quận Long Biên mới chỉ có quy hoạch sử dụng đất, chưa có quy hoạch ngành nên việc phát triển, xây dựng hệ thống bán lẻ không dễ dàng. “Quận Long Biên đã có 31 chợ, nhưng ngành công thương Hà Nội chưa có quy hoạch hệ thống chợ, nên có thể thời gian tới sẽ có những chợ bị giải thể do vướng quy hoạch phát triển đô thị. Vì vậy đề nghị Sở Công Thương và các ngành liên quan xây dựng quy hoạch ngành để địa phương có căn cứ pháp lý kêu gọi DN xây dựng chợ, trung tâm thương mại”- ông Vũ Xuân Trường nêu ý kiến.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho rằng, tiêu chuẩn chợ an toàn, văn minh thương mại phải hướng đến các điều kiện về xây dựng đúng quy chuẩn, tuân thủ nguyên tắc về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm… Sở Công Thương Hà Nội đang đề xuất TP có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để các DN, hợp tác xã tiếp cận quỹ đất sạch nhằm giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư dự án. Đồng thời ưu tiên bố trí quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành để xây dựng chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu Nhân dân.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tập trung đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các chợ trên địa bàn, bảo đảm quy định về phân cấp quản lý. Đồng thời, báo cáo UBND TP tiến độ thực hiện đầu tư xây mới, cải tạo các chợ đã đăng ký trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy và danh mục chợ đầu tư, cải tạo nằm trong Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 2/2/2023 của UBND TP. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục, điều kiện lập danh mục đầu tư xây mới, cải tạo các chợ trên địa bàn để xây dựng kế hoạch triển khai năm 2024 theo quy định, bảo đảm tiến độ tại Chương trình số 03-CTr/TU, các kế hoạch của TP...

 

Để quản lý và phát triển chợ có hiệu quả, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12/10/2021 của UBND TP Hà Nội về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025, trong đó, đẩy mạnh công tác đầu tư, cải tạo chợ theo tiến độ đề ra. Ðồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định về phát triển, quản lý chợ, bảo đảm có đủ cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện. Các đơn vị liên quan sẽ hoàn thiện phương án tính giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, bảo đảm đánh giá đầy đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn để phê duyệt.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Trong năm 2023, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch xây mới 48 dự án chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ. Đến nay, có 6 chợ đã triển khai thi công tại các địa phương gồm quận Nam Từ Liêm, huyện Mỹ Đức, Thạch Thất; 4 chợ tại quận Bắc Từ Liêm, huyện Thanh Oai đã hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến được thời gian khởi công. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã giải tỏa 40 chợ cóc, chợ tạm, các tụ điểm kinh doanh tự phát gây bức xúc dư luận.