Tuyến phố kiểu mẫu còn khiêm tốn
Tháng 8/2013, tuyến Trần Phú - Kim Mã là phố đầu tiên tại Hà Nội có Đồ án thiết kế đô thị, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan được công bố. Mục tiêu là để chỉnh trang hai bên tuyến phố, làm cơ sở quan trọng để xử lý, ngăn chặn tái diễn tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo" sau khi thực hiện các dự án mở đường.
Sau gần 6 năm triển khai, Chủ tịch UBND phường Kim Mã Nguyễn Thị Vượng cho biết, bước đầu cơ bản tuyến phố Kim Mã đã được chỉnh trang, dẹp được tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Tuy vậy vẫn còn hai trường hợp quận Ba Đình đang lên phương án thu hồi để làm nhà chờ xe buýt và mở rộng ngõ. Còn trên đoạn phố Trần Phú kéo dài, do việc chậm triển khai chỉnh trang, thực hiện các công trình công cộng tại một số ô đất không đủ điều kiện xây dựng nên đến nay toàn tuyến vẫn chưa thực hiện triệt để mục tiêu đặt ra.
Khi thực hiện các đồ án thiết kế đô thị các tuyến phố nên dựa trên tinh thần win – win (cùng có lợi) sẽ dễ nhận được sự đồng thuận của người dân khi triển khai trong thực tế. Cơ quan quản lý chỉ cần đưa ra những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật như cao độ nền, chiều cao công trình, mật độ xây dựng… còn về yếu tố mỹ thuật như kiến trúc, vật liệu, màu sơn tường, màu biển quảng cáo… nên để người dân (chủ thế của công trình) tự quyết định.TS. KTS Trần Minh Tùng - Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội |
Lãnh đạo các quận đều mong muốn các tuyến phố trên sẽ sớm được cải tạo, chỉnh trang lại một cách tổng thể, đồng bộ cả về quy hoạch kiến trúc cũng như hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trở thành những tuyến phố mẫu văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, tiến độ triển khai trên thực tế chưa đạt như mong muốn.
Điển hình như tuyến phố Thái Thịnh, đã hơn 3 năm kể từ khi Chủ tịch UBND TP ký Quyết định số 1528/QĐ-UBND, ngày 31/3/2016, về việc thiết kế đô thị hai bên tuyến phố, dù các phương án thiết kế đã được đơn vị tư vấn lập nhưng đến nay chưa thể triển khai. Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, đối với đồ án thiết kế đô thị riêng dành cho tuyến phố Thái Thịnh, Viện đã tổ chức công tác khảo sát, điều tra, đánh giá hiện trạng, nghiên cứu tác động của quá trình đô thị hóa, môi trường và hoạt động của người dân hai bên tuyến phố. Tuy nhiên, khi đưa đồ án vào triển khai thực tế gặp nhiều khó khăn do hệ thống hạ tầng xuống cấp, bố trí tái định cư, kinh phí thực hiện đồ án…
Yêu cầu bức thiết
Năm 2016, tuyến đường Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) đoạn từ Tôn Thất Tùng đến sông Lừ được TP đầu tư xây dựng là tuyến đường văn minh kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô. Tuyến đường đã được mở rộng có mặt cắt từ 11 - 12m, gồm 4 làn xe, vỉa hè rộng 7,5m lát đá xanh tự nhiên, toàn bộ cây xanh được thay thế, trồng mới đồng bộ, lối lên xuống phù hợp nhằm phục vụ người đi bộ, người khuyết tật và xe đạp. Toàn bộ hệ thống đường dây, cáp điện, thông tin liên lạc, viễn thông… được hạ ngầm, không còn mái che mái vẩy, tạo không gian thoáng đãng, rộng rãi dọc tuyến phố.
Tuy còn những ý kiến chưa thống nhất với biển hiệu quảng cáo đồng nhất hai màu xanh - đỏ nhưng đây là sự cố gắng của TP Hà Nội với mục đích chỉnh trang bộ mặt đô thị sạch đẹp, khang trang hơn. Nhiều người kỳ vọng sau tuyến phố Lê Trọng Tấn sẽ có thêm nhiều tuyến phố mẫu được nhân lên, nhất là tại các tuyến đường được mở rộng không còn hình ảnh những ngôi nhà kỳ dị, nhếch nhác… Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại các tuyến phố đạt chuẩn theo đồ án thiết kế vẫn chưa hiện hữu nhiều.
TS. KTS Trần Minh Tùng (Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, thiết kế đô thị là yêu cầu bức thiết trong phát triển đô thị và quản lý quy hoạch kiến trúc không gian cảnh quan đối với Hà Nội hiện nay. Đây là cơ hội để TP thực hiện tái tạo phát triển không gian đô thị khi diện tích đã được mở rộng. Đồng thời cũng nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý phát triển phục vụ đồng bộ cả về quy hoạch, thiết kế và kiến trúc.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, đô thị Hà Nội có đặc tính rất riêng, có cả khu phố cổ, khu phố cũ và những khu đô thị mới xây dựng. Vì thế, khi thực hiện thiết kế cần xác định rõ chức năng từng tuyến phố cụ thể (phố thương mại, phố ẩm thực, phố di sản…) để có kiến trúc tương ứng, tạo sự đa dạng hóa, có bản sắc.
“Cần chọn được một định hướng phát triển chặt chẽ, bài bản với nhiều giải pháp ứng xử linh hoạt, để đạt được một mục tiêu cuối cùng là thiết kế đô thị, góp phần định hình bộ mặt kiến trúc cho tuyến đường theo hướng văn minh, hiện đại, hài hòa với không gian tổng thể và giữ gìn những nét đặc trưng của khu vực” - TS. KTS Trần Minh Tùng đề xuất.