Bổ sung 50 tỷ đồng cho vay cơ giới hóa
Giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và tăng thu nhập cho nông dân là những minh chứng cho hiệu quả đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 31/12/2016, kéo dài thời gian thực hiện thí điểm chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đến hết năm 2020. Đặc biệt, TP đã bổ sung 50 tỷ đồng vào nguồn Quỹ Khuyến nông cho nông dân vay vốn đầu tư CGH bằng hình thức hỗ trợ 100% lãi suất trong 3 năm. Theo đó, chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, trên cơ sở tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định phương án sản xuất của hộ gia đình có nhu cầu vay vốn, Trung tâm đã giải ngân hơn 40 tỷ đồng cho 102 hộ vay đầu tư CGH phát triển sản xuất.
Khảo sát thực tế cho thấy, nhu cầu đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP rất cao. Đơn cử như huyện Ứng Hòa, năm 2017 và 2018, địa phương này có 7 trường hợp được Quỹ Khuyến nông TP hỗ trợ 3 tỷ đồng để mua 5 máy gặt đập liên hợp. Huyện Sóc Sơn có 14 hộ gia đình được hỗ trợ 3,9 tỷ đồng để mua máy gặt đập liên hợp, mỗi hộ được vay từ 400 - 500 triệu đồng và có 2 hộ gia đình được hỗ trợ 650 triệu đồng mua máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu cho hay, theo tính toán, mỗi đầu máy có giá trung bình từ 600 – 800 triệu đồng, do đó, mức hỗ trợ của TP là 500 triệu đồng/đầu máy, hộ vay sẽ đối ứng từ 200 – 300 triệu đồng. Chính sách này được coi là “cú hích” tác động mạnh nâng tỷ lệ CGH trong sản xuất nông nghiệp lên rõ rệt, đặc biệt là ở 3 khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch. Tuy nhiên, hiện nay, mức độ ứng dụng CGH vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn đạt thấp hơn so với cả nước và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Đáng nói là tỷ lệ diện tích cấy lúa bằng máy chỉ đạt 2% diện tích cấy lúa toàn TP.
Tiếp tục gỡ khó
Việc đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP đang gặp một số khó khăn do nhiều nguyên nhân. Hiện nay, đa phần nông dân không nắm rõ phương pháp vận hành máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thậm chí, khi gieo mạ bằng máy, nhiều nơi không có đủ diện tích đặt khay mạ, phải hợp tác, liên kết với các hộ gia đình ở nơi khác để thực hiện. Trong khi đó, các cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp chưa được hình thành tại các địa phương...
Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo sát, kiểm tra, thẩm định hồ sơ, kịp thời hỗ trợ nông dân vay vốn từ Quỹ Khuyến nông TP.
Đồng thời, tiến hành rà soát, lĩnh vực CGH nào yếu sẽ tập trung mũi nhọn vào khâu đó để thúc đẩy đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, Trung tâm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động liên kết với các DN hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho nông dân, giúp nông dân tiếp cận nhanh với tiến bộ kỹ thuật cũng như vận hành, quản lý hiệu quả trong sản xuất.
Đáng chú ý, bên cạnh chính sách hỗ trợ của TP, Trung tâm đang phối hợp với các huyện hỗ trợ người dân thông qua việc mở rộng diện tích cấy máy. Theo kế hoạch, giai đoạn 2019 – 2020, Trung tâm sẽ cơ cấu lại tỷ lệ máy làm đất vì lượng máy làm đất hiện đã phủ 100% nhưng có tới 50% số lượng máy nhỏ, cũ cần được thay thế. Đối với máy gặt đập liên hoàn, Trung tâm cơ cấu theo hướng khuyến khích thành lập dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa đi kèm để nâng cao hiệu quả.