Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy rõ trách nhiệm nếu để xảy ra buôn lậu

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (BCĐ 389) tại buổi họp báo chuyên đề về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016; nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 ngày 17/3.

Theo báo cáo của BCĐ 389, trong năm 2016, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ xử lý hơn 223.000 vụ việc, tăng hơn 8% so với năm 2015. Số thu nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 21.500 tỷ đồng. Khởi tố 1.800 đối tượng. Riêng 2 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng phát hiện xử lý hơn 27.000 vụ vi phạm, trong đó khởi tố hơn 300 vụ với gần 400 đối tượng…

Tuy nhiên, thực tế, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp về quy mô, tính chất. Theo ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389, năm 2017, BCĐ 389 chỉ đạo phải xây dựng quy chế đề cao tinh thần trách nhiệm. Nếu địa bàn nào xảy ra tình trạng buôn lậu phức tạp phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

Trả lời các câu hỏi của báo giới liên quan đến trách nhiệm quản lý trong ATTP khi để tình trạng ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra thời gian qua, buôn lậu xăng dầu trên biển quý I nóng lên, nguyên nhân gia tăng có phải giá thấp?… Đại diện BCĐ 389 cho rằng, buôn lậu xăng dầu trên biển tăng có phần nguyên nhân là do chênh lệch giá xăng trong nước và khu vực. Bà con ngư dân do giá chênh lệch, tàu đánh cá xa bờ chỉ mua đủ ra khơi, khi hoạt động dài ngày lại mua dầu của đường dây buôn lậu trên biển. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn do phương thức thủ đoạn tinh vi phức tạp, các đối tượng khi bị phát hiện chống trả quyết liệt. Tuy nhiên, nhiều vụ không khởi tố hình sự được mà chỉ tịch thu, tạm giữ tang vật... đã tạo áp lực lớn cho đấu tranh chống buôn lậu.

Liên quan đến việc kiểm soát ATTP, thực hiện Chỉ thị số 12/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo tăng cường kiểm tra, phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra các chợ đầu mối giết mổ gia súc gia cầm. Liên quan mặt hàng rượu xảy ra vừa qua tại Hà Nội và Lai Châu, Cục QLTT chỉ đạo chi cục các địa phương tăng cường kiểm tra rượu do dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc, các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất bằng phương pháp thủ công, các cửa hàng ăn uống nhằm phát hiện rượu giả… Đồng thời, rà soát bổ sung tăng chế tài với kinh doanh rượu, nhất là với rượu không rõ nguồn gốc…

Thời gian tới, BCĐ 389 tiếp tục cụ thể hóa trong việc phân công lĩnh vực và kiểm tra thực tiễn làm cơ sở xác định, quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để buôn lậu, gian lận thương mại xảy ra trên địa bàn được giao phụ trách.