Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết định của FED và tác động đến thị trường châu Á

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không quá lời khi nói Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) là một trong những định chế tài chính có ảnh hưởng nhất thế giới khi quyết định giữ nguyên lãi suất của cơ quan này đã tác động rất lớn đến thị trường toàn cầu.

Quyết định giữ nguyên mức lãi suất thấp kỷ lục được FED công bố tuần trước đã gây ra những phản ứng trái chiều trên thị trường tài chính châu Á. Trong khi một số thống đốc ngân hàng trung ương ở khu vực bày tỏ sự quan ngại về triển vọng của thị trường thì một số người khác lại không giấu được sự vui mừng.
Chủ tịch FED đang phải đối mặt với nhiều sức ép trong chính sách điều hành lãi suất.
Chủ tịch FED đang phải đối mặt với nhiều sức ép trong chính sách điều hành lãi suất.
Tại Nhật Bản, Bộ tưởng Tài chính Taro Aso cho hay quyết định của FED thể hiện quan điểm mà các nền kinh tế mới nổi đã đặt ra tại cuộc gặp của nhóm các nền kinh tế lớn G20 gần đây ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ). Sự trì hoãn của FED được coi như một sự trấn an đối với Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BOJ) trong bối cảnh kinh tế nước này đang phải chịu tác động mạnh từ sự giảm tốc tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi. Các quan chức BOJ cho rằng, việc FED không tăng lãi suất cũng giúp giảm thiểu các nguy cơ gây hại cho cả kinh tế Mỹ lẫn các nền kinh tế mới nổi.
 
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng T.Ư Philippines Amando Tetangco thì cho rằng, các nền kinh tế mới nổi đã tích lũy được một nền tảng kinh tế tương đối vững vàng nên về lâu dài sẽ được lợi từ quyết định của FED. Theo ông Tetangco, tâm điểm chú ý thời gian tới sẽ hướng tới hành động của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Trung Quốc nhằm giải quyết sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. 

Tuy nhiên,các nhà hoạch định chính sách của một số nền kinh tế khác đã bày tỏ sự quan ngại việc FED hoãn tăng lãi suất càng làm gia tăng thêm mức độ bất ổn thay vì kiềm chế bất ổn. “Các nước mới nổi cần sự ổn định thị trường tài chính để vận hành nền kinh tế của mình một cách trơn tru. Khi đó, các ngân hàng mới cho vay trở lại, các công ty mới tự tin mở rộng kinh doanh”, Phó Thống đốc Ngân hàng T.Ư Indonesia - Mira Adityaswara phát biểu. 

Thống đốc Ngân hàng T.Ư Hàn Quốc (BOK) Lee Ju-yeol cũng nhấn mạnh “thị trường ghét sự bất ổn, nhưng bất ổn vẫn còn đó”. Bộ trưởng Tài chính Joo Hyung-hwan thì nói rằng có khả năng thị trường sẽ bất ổn hơn khi quyết sách tài chính của FED chưa có tín hiệu thực sự rõ ràng.

Bât chấp các phản ứng trái chiều của thống đốc các ngân hàng T.Ư châu Á, các chuyên gia nhận định việc ngừng các biện pháp nới lỏng tiền tệ của FED có thể là điều tốt cho châu Á. Khi lãi suất tăng cao, chứng tỏ nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng là cỗ máy tiêu dùng lớn nhất đang hồi phục và các nước có thể lấy lại niềm tin vào vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Do đó việc bình thường hóa lại mức lãi suất của Mỹ “về mặt lý thuyết” chính là đã loại bỏ được những bất ổn trên các thị trường tài chính, đồng thời sẽ làm tăng tính chấp nhận rủi ro cao hơn trong hoạt động đầu tư của giới đầu tư tại Mỹ và toàn cầu, từ đó thúc đẩy dòng vốn quay trở lại châu Á.