Ngày 11/3/2011 trở thành dấu mốc ám ảnh, khi nước Nhật phải hứng chịu thảm họa kép bởi một trận động đất 9 độ richter cùng sóng thần lịch sử đã tấn công khu vực Đông Bắc nước này, cướp đi sinh mạng của hơn 18.000 người. Tai họa còn làm nổ các lò phản ứng số 1 - 3 tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, khiến chất phóng xạ rò rỉ vào khí quyển và các nguồn nước gần đó.
Hàng trăm bể chứa nước thải nhiễm xạ bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Nhật Bản. Ảnh: AP |
Cũng kể từ đó, các nhà chức trách đã phải sử dụng hàng triệu tấn nước để làm mát các lò phản ứng, và lưu trữ nước thải trong các bể chứa khổng lồ tại chỗ. 10 năm trôi qua, đơn vị điều hành nhà máy hạt nhân Tokyo Electric Power Co (TepCo) hiện báo động về nguy cơ hết chỗ chứa nước thải từ quá trình làm mát, ước tính sẽ đạt ngưỡng khoảng 1,3 triệu tấn nước vào năm 2022.Các nhóm bảo vệ môi trường, bao gồm Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace), đã khuyến nghị Chính phủ Tokyo nên xây thêm các bể chứa để giữ nước bên ngoài nhà máy, thay vì chọn phương án xả thải ra đại dương. Nhật Bản từng xem xét một số phương án khác, chẳng hạn như cho bay hơi hoặc lưu trữ dưới lòng đất số nước nhiễm xạ từ nhà máy.
Tuy nhiên cuối cùng, Chính phủ Tokyo đi đến quyết định pha loãng khối nước khổng lồ bị ô nhiễm và xả ra biển, khi xét thấy phương án này khả thi hơn về mặt kỹ thuật và tiết kiệm chi phí. Quá trình dự kiến sẽ bắt đầu sau 2 năm tới. Hiện tại, toàn bộ nước thải đều được lọc để loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ, nhưng một số chất nguy hiểm vẫn còn sót lại, bao gồm Tritium được xác định là có hại cho con người.Đánh giá về giải pháp của Tokyo, chuyên gia Ken Buesseler tại Viện Hải dương học Woods Hole ở Falmouth, Massachusetts, lưu ý: “Tritium nhẹ và có thể trôi xa tới tận bờ biển phía Tây nước Mỹ trong vòng 2 năm”. Vấn đề nghiêm trọng hơn được cho còn nằm ở những đồng vị phóng xạ nguy hiểm tiềm ẩn trong nước, bao gồm stronti-90 và iốt-129.
Theo lý thuyết, quá trình lọc có thể làm giảm nồng độ của chúng, ở mức khoảng 70% đối với nước vẫn chưa trải qua quá trình lọc thứ cấp. Nhưng các nhà khoa học không dám chắc liệu kết quả lọc thực tế có theo đúng kế hoạch hay không.Một cuộc thăm dò do báo Asahi Shimbun thực hiện vào tháng 1/2021 cho thấy, 55% số người Nhật được hỏi phản đối kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ từ Fukushima ra biển của Chính phủ Tokyo, trong khi 32% nói rằng họ ủng hộ. Tại phiên điều trần trước đó của Chính phủ Tokyo về việc xả nước nhiễm xạ hạt nhân ra biển, đại diện một số ngành và địa phương tiếp tục phản đối quyết định được tin có thể làm suy yếu nỗ lực hồi sinh các khu vực bị thảm họa, thổi bay nỗ lực trong thời gian qua nhằm khôi phục danh tiếng cho sản phẩm địa phương.
“Chúng tôi sẽ chết vì việc thải nước bị ô nhiễm ra đại dương, vì nó có thể gây ra tác động thảm khốc đến tương lai của ngành đánh bắt cá Nhật Bản” - Hiroshi Kishi, người đứng đầu Liên đoàn Hợp tác xã Thủy sản Quốc gia nói. Ông Kishi nhấn mạnh, việc xả nước phóng xạ ra đại dương có thể khiến các nước khác thắt chặt hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản, đảo ngược xu hướng nới lỏng chính sách gần đây.Thông báo ngày 13/4 của Nhật Bản cũng ngay lập tức thu hút lo ngại tại các nước láng giềng, bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc, về tác động có thể xảy ra đối với sức khỏe con người cũng như các DN thủy sản. Bắc Kinh kêu gọi thái độ “có trách nhiệm” của Tokyo, cùng việc xử lý chất thải hạt nhân “một cách thận trọng”, khi cho rằng nó liên quan đến “lợi ích của cộng đồng quốc tế và lợi ích sống còn của các nước láng giềng”. Trong khi đó, Seoul nói rằng “sẽ khó có thể chấp nhận được nếu phía Nhật Bản quyết định xả nước ô nhiễm từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima mà không có sự tham vấn đầy đủ”.