Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết định xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo: Đô thị sẽ có diện mạo mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 15/2011, có hiệu lực từ ngày 6/5/2011, về xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới trên địa bàn.

KTĐT - Việc UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 15/2011, có hiệu lực từ ngày 6/5/2011, về xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới trên địa bàn.

Trường hợp tồn tại từ 15/3/2005 đến nay, xử lý ra sao?

Theo quyết định mới này, với các trường hợp tồn tại từ 15/3/2005 đến nay, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng (nếu chưa có); đồng thời rà soát, thống kê, phân loại, lập và phê duyệt phương án xử lý. Cụ thể, đối với trường hợp hợp thửa đất hoặc hợp khối nhà theo phương án xử lý được duyệt trong trường hợp chủ sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn các chủ sử dụng đất có nhu cầu thỏa thuận và thực hiện thỏa thuận về việc chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để hợp thửa đất hoặc hợp khối nhà theo quy định.

Trường hợp đất chưa đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận, nhưng chủ sử dụng đất đã sử dụng ổn định, được UBND phường, xã, thị trấn xác nhận không có tranh chấp, có nhu cầu hợp thửa đất hoặc hợp khối nhà, UBND phường, xã, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xét duyệt, thông báo, hướng dẫn các chủ sử dụng đất thỏa thuận và thực hiện thỏa thuận hợp thửa đất hoặc hợp khối nhà; làm thủ tục công nhận quyền sử dụng đất theo quy định, sau khi các chủ sử dụng đất hoàn thành việc hợp thửa đất hoặc hợp khối nhà. Thời gian thực hiện các công việc trên trong vòng 30 ngày, kể từ ngày UBND các quận, huyện, thị xã ra thông báo. Sau thời gian trên, nếu các chủ sử dụng đất không thực hiện được việc hợp thửa đất hoặc hợp khối nhà thì UBND các quận, huyện, thị xã sẽ tổ chức việc thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch.

Cũng theo quy định này, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét việc cho phép chủ sử dụng đất siêu mỏng, siêu méo có nhu cầu được tổ chức khai thác, sử dụng thửa đất đúng mục đích, đúng quy hoạch đã được phê duyệt để làm dịch vụ công cộng và đưa vào phương án xử lý. Trong trường hợp chủ sử dụng đất không thực hiện đúng mục đích, đúng quy hoạch theo phương án xử lý đã được phê duyệt thì UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trong trường hợp Nhà nước áp dụng biện pháp thu hồi đất để xử lý trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng thì trình tự, thủ tục thu hồi đất được thực hiện theo QĐ số 02/2010/QĐ-UBND; việc lập bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo QĐ số 108/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

Mở đường kết hợp xây dựng tuyến phố hai bên

Quyết định này cũng đề ra nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới, được triển khai. Theo đó, Thành phố sẽ thu hồi 50m hai bên đường để xây dựng 2 tuyến phố theo quy hoạch khi thực hiện dự án xây dựng đường giao thông mới; đồng thời xử lý các trường hợp đất có diện tích dưới 15m2 và có kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3m.

Về việc thu hồi 50m hai bên đường khi thực hiện dự án xây dựng đường giao thông mới, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư các dự án tổng hợp, thống kê, xác định rõ ranh giới, diện tích các trường hợp thửa đất tiếp giáp và nằm ngoài chỉ giới mở đường nhưng không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng để làm căn cứ lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Diện tích những thửa đất này được đưa vào ranh giới thu hồi đất trình cấp có thẩm quyền thu hồi cùng với thu hồi đất thực hiện dự án giao thông.

Trao đổi với báo giới, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cho rằng: Những vị có thẩm quyền, có trách nhiệm trong việc quản lý trật tự xây dựng đô thị đã được pháp luật quy định để xảy ra tình trạng trên cần được xử lý. Nếu làm được như vậy, thì chúng ta cũng sẽ bị mất mát, nhưng chắc chắn được nhiều hơn mất. Nhà "siêu mỏng, siêu méo" không dám mọc tiếp, đô thị phát triển văn minh, cái được lớn nhất là lòng tin của đa số nhân dân đối với chính quyền các cấp.