Kinhtedothi - Chiều 24/12, kết luận tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, sang năm 2014, nước ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, để đạt được mục tiêu đặt ra tăng trưởng 5,8% đòi hỏi các cấp, các ngành phải cố gắng rất nhiều, với sự thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.
Tránh no dồn đói góp
Báo cáo trước Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết về định hướng điều hành tỷ giá trong năm 2014, NHNN sẽ xem xét, tính toán để làm sao việc điều chỉnh tỷ giá hết sức linh hoạt, vừa đảm bảo cho xuất khẩu vừa đảm bảo ổn định hoạt động chung cũng như không gây hiệu ứng là tăng lạm phát, nhưng biên độ không quá 2%.
Ông Bình cho rằng, ngay cả lúc khó khăn nhất, xuất hiện nhiều tin đồn thì biên độ cho phép 1% thị trường cũng không dùng hết. "Thị trường thực tế chỉ điều chỉnh biên độ tối đa 0,5%. Thậm chí như hiện nay, tỷ giá tại các ngân hàng đã về mức thấp hơn giá mua vào của Sở giao dịch NHNN" - Thống đốc khẳng định.
Chia sẻ với các địa phương phản ánh doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận vốn, Thống đốc NHNN cho biết, thực tế các tổ chức tín dụng vẫn tiến hành cơ cấu các khoản nợ cho DN. Theo số liệu của ông, đến nay các khoản nợ được cơ cấu theo hình thức giãn, giảm... là 330.000 tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng dư nợ. Điều này đã góp phần giúp các DN có điều kiện để tiếp cận được vốn. Đến nay, tín dụng của ngành đã tăng 9,5% và nhất định cuối năm sẽ đạt trên 10%. (Trước đó, trong cuộc họp báo gần đây, NHNN cho biết tín dụng tăng 8,83%).
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chia sẻ, lãi suất giảm là rất tốt nhưng chính sách tài chính và tài khóa trong phối hợp giải ngân đầu tư phải dàn đều. "Nói tăng trưởng cao nhưng lại dồn vào tháng 12 thì không tác dụng mấy, no dồn đói góp sẽ khó hiệu quả, do đó nên đảm bảo lượng tiền lưu thông tương đối, phân bổ nguồn lực phải đều" - Bộ trưởng chia sẻ.
Liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được nhiều địa phương góp ý, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nguyên nhân là do giải ngân gói 30.000 tỷ đồng bị chậm so với mục tiêu, vì nguồn cung nhà ở xã hội vẫn hạn chế và thủ tục yêu cầu chặt chẽ, sự vào cuộc của các cấp chính quyền chưa hiệu quả. Để thị trường bất động sản chuyển biến tích cực, ngoài những giải pháp đang triển khai, phải tiếp tục gắn với phát triển nhà ở, phát triển đô thị. Lãnh đạo Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tích cực vào cuộc kiểm tra, giám sát việc phát triển đô thị phải theo quy hoạch và có kế hoạch đã được Chính phủ quy định; thành lập các ban quản lý phát triển đô thị.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng các dự án nhà ở xã hội triển khai vào thời điểm này thì phải vài năm nữa mới "ra hàng" sẽ tạo ra nguồn cung ngổn ngang trong 2 - 5 năm tới. Nhu cầu về nhà ở hiện rất lớn nhưng người dân lại kém mặn mà với nhà ở xã hội khi chỉ được thuê, thuê mua và không được chuyển nhượng trong một thời gian nhất định (theo quy định trong gói 30.000 tỷ đồng)… nên thực tế đang thừa cung. Nay DN lại ồ ạt xin xây dựng dự án, chuyển sang nhà ở xã hội, nguy cơ khủng hoảng thừa trong thời gian tới là rất lớn. Vì thế, đừng để nhà ở xã hội rơi vào cảnh "no dồn, đói góp" rồi phải quay sang giải quyết khủng hoảng thừa thời gian tới.
Nguy cơ lỗ do lãi vay cao
Chia sẻ với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, địa phương nào cũng có khó khăn, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương sử dụng Quỹ bảo trì cho những dự án đảm bảo an toàn giao thông, còn với các dự án đình hoãn phải xin ý kiến Chính phủ.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, Chính phủ đang rà soát các dự án không chỉ T.Ư mà các địa phương. Đối với các dự án BT, hiện nay nhà đầu tư không huy động được vốn, hoặc lãi suất huy động vốn vượt quá bài toán tài chính dự án.
Quan điểm của lãnh đạo Bộ KH&ĐT là không nên áp dụng hình thức BT trả bằng tiền nữa. Sau khi nghe các báo cáo, lãnh đạo các địa phương thảo luận kiến nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các ý kiến trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành. Thủ tướng đề nghị, các ý kiến, kiến nghị cụ thể của các địa phương, các bộ, ngành cần tiếp thu, từng bộ, ngành theo chức trách nhiệm vụ xử lý thẩm quyền, cái nào vượt trách nhiệm thì báo cáo.
Cho rằng với những kết quả đạt được khá tích cực trong năm 2013, nhưng Thủ tướng khẳng định không thể chủ quan. Bước sang năm 2014 nhiệm vụ khá nặng nề, ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, "vấn đề này khó nhất là năm nay chúng ta tăng bội chi, phát hành trái phiếu, tăng tổng dư nợ tín dụng năm 2014 cao hơn 2013 mục tiêu là 12 - 14%... Thủ tướng chỉ đạo, NHNN chủ động điều hành chính sách tiền tệ để tăng cường cho ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức 7%, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất. Kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Thủ tướng đánh giá, công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm nên cần đẩy mạnh quyết liệt, lĩnh vực nào cần thiết thì giữ còn không cần thiết thì bán hoặc cổ phần hóa.
Trong nhiệm vụ an sinh xã hội, Thủ tướng chỉ ra mục tiêu phấn đấu giảm nghèo, giải quyết việc làm; chống tham nhũng bằng cách công khai minh bạch, làm rõ trách nhiệm, ai sai phạm phải kiên quyết xử lý; tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; bảo đảm trật tự, giảm thiểu tai nạn giao thông, phấn đấu thấp hơn năm 2013 cả về số vụ, số người bị thương và bị tử vong; khắc phục ùn tắc giao thông đô thị...
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ 2014, Thủ tướng đòi hỏi phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, sao cho ngay từ tháng 1 tới, tất cả phải vào cuộc triển khai ngay, cụ thể hóa bằng các thể chế chính sách và sớm đi vào cuộc sống.
Lắp ráp linh kiện ô tô tại một phân xưởng của Vinamotor. Ảnh: Tú Chi
|