Cần nâng cao công tác dự báo tình hình phát triển kinh tế-xã hội
Thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2024 của TP, các đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của TP trong triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết, Chương trình của Thành ủy và của HĐND TP trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã được xác định từ cuối năm 2022 và nội dung triển khai công tác năm 2023.
Vì vậy, trong bối cảnh tình hình chính trị của thế giới có nhiều biến động khó lường, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế diện rộng TP đã tích cực tập trung triển khai mạnh mẽ các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bức tranh kinh tế của Thủ đô có nhiều điểm sáng với kết quả nổi bật.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị đánh giá kỹ hơn về các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chưa hoàn thành 5/23 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra từ đầu năm. Đánh giá kỹ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan về thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, mặt nước, giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch...
Về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, các đại biểu nhấn mạnh một số giải pháp cần tập trung thực hiện như: Chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong triển khai các dự án đầu tư công, các công trình trọng điểm của TP và nâng cao tỷ lệ giải ngân của TP; có đánh giá tổng thể về đầu tư công của TP.
Các đại biểu cũng đề nghị nâng cao công tác dự báo tình hình phát triển kinh tế năm 2024 để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong tăng trưởng, phát triển kinh tế theo kịch bản dự kiến lựa chọn; xem xét xây dựng các kịch bản kinh tế cụ thể cho từng thời gian, từng giai đoạn của nền kinh tế.
Nghiên cứu, đầu tư xây dựng để hình thành 5 khu đô thị vệ tinh
Đối với nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu đề nghị UBND TP rà soát phát triển các cụm khu đô thị cao tầng, trung tâm thương mại lớn trong nội đô để giải quyết vấn đề phát triển nóng tại khu vực trung tâm; góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các tuyến đường sắt đô thị đều hướng về trung tâm.
Đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đầu tư xây dựng để hình thành 5 khu đô thị vệ tinh của TP, để phát triển các khu đô thị vệ tinh thành các vùng kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ cao… song song với phát triển các khu đô thị thông minh đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô. Tập trung rà soát, nghiên cứu các nội dung liên quan đến phát triển các khu dân cư truyền thống trong lòng các khu đô thị nhằm đảm bảo đời sống của người dân.
Cùng với đó, rà soát, bổ sung các nội dung quy hoạch giáo dục, quy hoạch mạng lưới trường học và việc bố trí quỹ đất xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo phù hợp với tình hình phát triển của Thủ đô. Quan tâm và điều chỉnh kịp thời việc thực hiện quy hoạch và dự án nhằm triển khai hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị, các điểm, bãi đỗ xe tĩnh; cơ chế thu hút đầu tư về bãi đỗ xe. Nghiên cứ bổ sung, phát triển quy hoạch Thủ đô dọc theo trục 2 bờ dọc sông Hồng để phát triển; bổ sung giải pháp phát triển, chỉnh trang đô thị giao thông theo hình dạng ô bàn cờ dọc tuyến giao thông bám theo trục 2 bờ sông Hồng...
Sớm có định hướng quy hoạch 2 thành phố trong thành phố
Góp ý vào nội dung Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đại biểu đề nghị UBND TP rà soát quy hoạch phát triển hệ thống thương mại, các chợ đầu mối, chợ nông sản quốc tế… gắn liền với quy hoạch phát triển vùng và quy hoạch Thủ đô để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo phát triển đô thị, nông thôn đồng bộ, hiện đại và bền vững theo các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Rà soát, nghiên cứu việc quy hoạch cần ưu tiên phát triển các đô thị, tăng tỷ lệ phát triển đô thị; nghiên cứu số liệu về dân số để xây dựng;...
Tiếp tục nghiên cứu, rà soát về phát triển không gian ngầm, không gian liên vùng, đề xuất với các cơ quan Trung ương để có các chính sách cụ thể, đổi mới, phù hợp với thực tiễn phát triển của thế giới, các Thủ đô của thế giới trong liên kết với vùng kinh tế và khu vực lân cận; định hướng phát triển không gian xanh, đẩy mạnh giao thông công cộng gắn với đường sắt giao thông đô thị. Sớm có định hướng quy hoạch 2 thành phố trong thành phố trong Đồ án...
Tăng cường phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính
Đối với nội dung báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025 nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu. Các đại biểu đề nghị, UBND TP tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính cần gắn chặt với thực hiện các nghị quyết của HĐND TP về phân cấp (phân cấp kinh tế-xã hội, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi…) và đề án phân cấp ủy quyền, nhất là ủy quyền giải quyết thủ tục của UBND TP, các sở, ngành TP cho các quận huyện thị xã.
Tập trung rà soát khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư công thuộc nhiệm vụ chi của các huyện trong bối cảnh các huyện có nguồn thu thấp, hụt thu, đặc biệt là các huyện đề xuất sử dụng ngân sách huyện thực hiện nhiệm vụ chi cấp TP và các huyện khó khăn xa trung tâm.
Đại biểu đề nghị TP nghiên cứu phương án phân cấp cho cấp huyện những công trình xây dựng mới và sữa chữa lớn từ 5 tỷ đồng; đối với sửa chữa nhỏ dưới 5 tỷ đồng nên giao cho hiệu trưởng các trường học thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp.
Rà soát quy hoạch PPCC phù hợp quy hoạch chung Thủ đô
Góp ý vào Dự thảo Đề án “Tổng thể nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các đại biểu thống nhất với tên gọi và tầm nhìn của Đề án định hướng đến năm 2030 (không để tầm nhìn đến năm 2045) để tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn đến. Đại biểu cho rằng, với mốc thời gian như vậy Đề án sẽ phải điều chỉnh các nhóm mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ cho phù hợp với từng giai đoạn đồng thời đảm bảo tiến độ và tính khả thi - từ nay đến 2025.
Đại biểu đề nghị UBND TP tiếp tục rà soát để đảm bảo Đề án phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô và quy hoạch theo Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 07/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Cần phân loại các công trình, cơ sở có thể chịu thiệt hại nặng khi xảy ra cháy, ưu tiên các nhóm đối tượng, cơ sở, công trình để áp dụng sớm các giải pháp PCCC. Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng lực lượng PCCC cho TP. Nghiên cứu các giải pháp phù hợp với từng khu vực, tuyến phố, tuyến ngõ… Đặc biệt cần bổ sung các giải pháp để hợp thửa, bố trí trạng thiết bị phòng cháy tại các khu dân cư, ngõ hẹp và loại hình công trình khác nhau, công trình đặc thù để đảm bảo công tác PCCC hiệu quả hơn...
Doanh nghiệp "nín thở" không dám vay đầu tư
Sáng 6/12, thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Đình Đoàn (huyện Mê Linh) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp của cả nước nói chung và tại Thủ đô gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đại biểu mong muốn TP có phân tích về sự đồng hành của chính quyền với doanh nghiệp, thể hiện làm sao Thủ đô đi đầu nâng cao chỉ số phục vụ cộng đồng doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Lan Hương (quận Tây Hồ) mong muốn TP làm rõ hơn các giải pháp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Đại biểu cho biết, hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có xu hướng thu hẹp sản xuất, ngại mở rộng, ngoại trừ những ngành công nghệ thông tin, du lịch.
Nhìn chung các doanh nghiệp có xu thế “nín thở” để xem xét thị trường vì bối cảnh chung là nhu cầu tiêu dùng giảm. Mặc dù lãi suất giảm nới lỏng nhưng nhiều doanh nghiệp không dám vay, phải nhìn thấy khách hàng mới dám vay. Các doanh nghiệp mong muốn không chỉ có giảm lãi suất mà cần những chính sách hỗ trợ nhìn thấy ngay của TP để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Vì vậy, đại biểu Hương mong muốn TP thúc đẩy Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức các sự kiện kết nối hơn và đi vào những sản phẩm trọng điểm của TP.