Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết liệt tái cơ cấu ngân hàng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các ngân hàng nếu không tự giác tái cơ cấu, NHNN không quyết liệt thì hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Báo cáo của NHNN cho biết, kết quả điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng năm 2013 đã cơ bản đạt mục tiêu theo chủ trương của Chính phủ, lạm phát được kiểm soát, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo và cải thiện đáng kể; mặt bằng lãi suất giảm mạnh, chất lượng tín dụng được nâng cao. Tình trạng vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế tiếp tục được khắc phục.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành ngân hàng vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chánh Thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa thừa nhận, lợi nhuận ngân hàng năm 2013 vẫn ở mức thấp. Lợi nhuận của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng lũy kế 11 tháng năm nay đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm ngoái. Nếu so sánh với 2010, 2011, mức lãi này chỉ bằng 53-64%. Trong đó, 17% các tổ chức tín dụng lỗ; hơn 100 đơn vị lãi thì có đến đến hơn một nửa giảm lợi nhuận so với năm 2012.

 
Quyết liệt tái cơ cấu ngân hàng - Ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014

của  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: VGP

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả mà NHNN đã đạt được trong điều hành chính sách tiền tệ. “Chính phủ đánh giá cao những thành công, kết quả của NHNN, của hệ thống ngân hàng hai năm qua, đặc biệt năm 2013. Tôi tin rằng các đồng chí có thực tiễn kinh nghiệm để tiếp tục điều hành, hoạt động hiệu quả hơn nữa”- Thủ tướng đánh giá tổng quát.

Nhiệm vụ đầu tiên mà Thủ tướng giao cho ngành ngân hàng là tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, mà chịu trách nhiệm trực tiếp là Thống đốc NHNN. Trên cơ sở đó để giữ ổn định mặt bằng lãi suất, tính toán chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng cho phù hợp. Giữ ổn định lãi suất, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp được người đứng đầu Chính phủ giao trách nhiệm chủ yếu cho hệ thống ngân hàng. Bởi theo ông, hiện nhiều doanh nghiệp khó khăn, vốn hoạt động chủ yếu là vốn vay nên lãi suất là một điểm gỡ có tính quyết định, cần giữ ổn định và thấp như hiện nay.

Đáng chú ý là Thủ tướng nêu cụ thể mục tiêu giữ ổn định tỷ giá trong năm tới, bên cạnh yêu cầu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối. Đánh giá cao sự ổn định của tỷ giá trong hai năm qua, ông yêu cầu năm tới tiếp tục giữ được khoảng biến động chỉ từ 1 - 2%, như các khoảng cam kết mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra thời gian qua. “Nhân đây tôi cũng nói, các cơ quan mà dự báo làm cho tỷ giá tăng lên trồi xuống thì phải kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm. Chính mình gây ra định hướng làm cho xã hội không ổn định. Phải phối hợp các yếu tố để giữ ổn định”- Thủ tướng nói khi điểm lại một số biến động thời gian gần đây.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ngành ngân hàng vẫn còn nhiều nhiệm vụ nặng nề. Việc đưa nợ xấu về 2-3% như Thống đốc hứa trước Quốc hội phải cần đồng thuận và quyết tâm. Các ngân hàng nếu không tự giác tái cơ cấu, NHNN không quyết liệt thì hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Việc xóa sở hữu chéo, lũng đoạn ngân hàng cũng được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, muốn khắc phục sở hữu chéo, các ngân hàng đã cổ phần đại chúng thì dứt khoát phải đưa lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai minh bạch.

Ba điểm mà Thủ tướng nhấn mạnh trong quản lý thị trường vàng là NHNN vẫn phải độc quyền xuất nhập khẩu vàng; các ngân hàng thương mại dứt khoát không được huy động vàng, cho vay vàng; không để thị trường vàng làm mất ổn định kinh tế vĩ mô. " Năm 2014, đề nghị NHNN nghiên cứu để có chính sách huy động nguồn lực vàng cất trữ trong dân để đầu tư cho sản xuất kinh doanh"-Thủ tướng chỉ đạo ngành.