Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết liệt tinh giản biên chế

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2016 và định hướng năm 2017.

Nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng, bộ máy cồng kềnh, đông người cần thực hiện quyết liệt tinh giản biên chế, tạo dư địa gắn đồng bộ với nâng cao chất lượng công vụ theo đề án vị trí việc làm và đây cũng là khâu quan trọng nhất để nâng cao năng suất lao động.

Giảm 20% cán bộ công chức

Theo ĐB Dương Văn Thống (Yên Bái), bộ máy cồng kềnh, đông người, không ít bộ phận không còn cần thiết cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. Nguyên nhân của tình trạng này là do tổ chức bộ máy của chúng ta bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, có bộ phận không cần thiết chưa được thiết kế lại một cách tổng thể. Khi xem xét bố trí cán bộ chỉ nặng về đánh giá hiệu quả công tác, sự nhanh nhạy, năng động, ít nói về đạo đức, dù trong bản kê khai nhận xét đều có. Đây là lệch lạc không thể xem thường. ĐB Dương Văn Thống nói: “Do đó cần nghiên cứu một cách rà soát và tổng thể cả bộ máy, hệ thống chính trị đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phân công phối hợp kiểm soát quyền lực như Đảng ta đã khẳng định, giảm cả về tổ chức và con người trong đó biên chế phải giảm khoảng 20% trở lên chứ không phải 10%. Cho nên, Quốc hội khi ban hành luật mới và sửa đổi luật thì không tăng biên chế bộ máy. Hàng năm Chính phủ và các cơ quan nhà nước phải báo cáo Quốc hội để sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và số kinh phí đã giảm được trong ngân sách hàng năm trong chi thường xuyên. Thường xuyên tập trung kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ trong đó có sắp xếp bộ máy tinh giản biên chế và người đứng đầu cơ quan, tổ chức địa phương về công tác cán bộ, đạo đức, lối sống và tài sản. Thường xuyên giáo dục, rèn luyện cán bộ, đặc biệt là chú trọng rèn về đức, cần kiệm liêm chính, tôn trọng và phục vụ dân. Muốn làm được thì cấp trên phải làm trước và cấp trên phải ít khuyết điểm hơn cấp dưới. Cán bộ liêm chính thì Chính phủ và bộ máy nhà nước của chúng ta mới liêm chính”.

ĐB Phan Việt Cường (Quảng Nam) cho rằng, bộ máy hành chính từ trung ương đến cơ sở vẫn còn cồng kềnh, đội ngũ cán bộ, công chức đông nhưng chưa mạnh, nhiều ngành công vụ kém hiệu quả, chất lượng phục vụ nhân dân có nơi còn hạn chế, thủ tục hành chính chúng ta đặt ra rườm rà nhưng bảo thủ không chịu cắt bỏ. Thêm vào đó một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, tham nhũng, thích ban ơn, có những việc làm có thể giải quyết ngay trong một ngày nhưng có thể kéo đến một tuần, 10 ngày, thậm chí nhiều tháng liền. Đây là những trở ngại rất lớn khiến nhân dân than phiền, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất lo ngại. Vì vậy đề nghị Chính phủ sớm tổng kết rút kinh nghiệm mô hình cải cách hành chính tổng thể ở Quảng Ninh từ đó nhân rộng mô hình này ra cả nước.

Theo ĐB Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh), kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, cơ chế sàng lọc cán bộ, công chức tuyển dụng, bổ nhiệm phải bằng thi tuyển cạnh tranh, công bằng. Tóm lại, cần đề cao phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, các chuẩn mực đạo đức, lòng yêu nước, đoàn kết, sự thông minh, sáng tạo, các giá trị sức mạnh của cộng đồng, nhất là việc xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao chất lượng vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. ĐB Triệu Tài Vinh (Hà Giang) cho rằng, cần thực hiện quyết liệt tinh giản biên chế, tạo dư địa gắn đồng bộ với nâng cao chất lượng công vụ theo đề án vị trí việc làm và đây cũng là khâu quan trọng nhất để nâng cao năng suất lao động.

Còn nhiều dự án tiềm ẩn nguy cơ tồn đọng

Giải trình về 5 dự án gây lãng phí, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Không chỉ có 5 dự án này mà còn một số dự án khác còn tiềm ẩn những nguy cơ tồn đọng và các vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời và sẽ có khả năng kém hiệu quả gây ra nguy cơ mất vốn, đầu tư từ nguồn lực của nhà nước cũng như nguồn lực của xã hội. Quan điểm của Chính phủ là làm rất rõ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Thường trực Chính phủ. Đó là Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đang tổng hợp, đánh giá, rà soát, kiểm tra một cách triệt để và toàn diện tất cả những vấn đề tồn tại của các dự án này.

Chưa thỏa mãn, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng, tất cả ĐBQH rất quan tâm đến các dự án hiện nay bị đắp chiếu, một nguồn lực rất lớn của xã hội, đất nước đang bị lãng phí. “Quan tâm của xã hội trước tiên là đặt vấn đề với Bộ trưởng là đã tính toán phương án để xử lý những dự án bị đắp chiếu này chưa”?.

Tiếp đến ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đặt vấn đề: Trong quá trình phát triển các dự án thủy điện, nhiệt điện, Bộ trưởng có khẳng định quá trình đầu tư và vận hành các công trình thủy điện là đúng pháp luật. Nhưng thực tế đặt ra hiện nay đối với các công trình thủy điện từ việc tích nước và xả lũ, nhiều địa phương có ý kiến chưa theo đúng quy định. Đặc biệt là lũ lụt miền Trung hiện nay cũng góp phần để nói lên một tiếng nói cần phải xem lại việc vận hành xả lũ của các công trình thủy điện có đúng quy trình và đúng pháp luật không?. Các công trình thủy điện này trong thời gian qua đã làm tốt chức năng vào mùa khô hạn cung cấp nước để phục vụ sản xuất. Vào mùa mưa lũ tích nước để hạn chế việc lũ lụt hay chưa?. Theo ông Học: “Bộ trưởng nói trong thời gian qua việc vận hành các nhà máy thủy điện là đúng quy trình, đúng pháp luật là chưa thỏa đáng”.

Chưa hài lòng với phần Bộ trưởng khẳng định “đời sống của người dân vùng triển khai thực hiện các dự án thủy điện được đảm bảo”, ông Học chỉ rõ: “Trong suốt gần một nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội nêu vấn đề hiện nay đời sống người dân ở vùng tái định cư các dự án thủy điện còn rất khó khăn. Quốc hội đã có nghị quyết giao cho Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải khảo sát lại để có việc tái đầu tư, làm cho đời sống của người dân ở vùng thủy điện tốt lên. Vì hiện nay nhiều bà con vùng thủy điện hộ nghèo 50%, 60%, có nơi 80%. Do vậy Bộ trưởng khẳng định rằng đời sống người dân vùng tái định cư các dự án thủy điện được đảm bảo tôi cho rằng cũng chưa thỏa đáng. Đề nghị Bộ trưởng có quan tâm và làm sao chủ trương, điều hành của Bộ Công Thương đáp ứng được đời sống của người dân ở vùng thủy điện”.

Xây dựng được triết lý cho mô hình tăng trưởng

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre): Chúng ta phải bàn đến một trong những vấn đề xuyên suốt trong tất cả những vấn đề tái cơ cấu chính là phải xây dựng được một triết lý cho nền kinh tế của Việt Nam. Triết lý để bảo đảm cho sự không chơi vơi của nền kinh tế, của quá trình sản xuất xã hội. Các triết lý đó sẽ góp phần để khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu của Việt Nam và chính là bà đỡ danh dự cũng như bà đỡ thanh danh của cả nền kinh tế, tôi cho rằng như thế chúng ta thực sự xây dựng một thương hiệu lớn. Do đó cần phải tập trung trí tuệ để xây dựng triết lý theo định hướng nhân sinh, nhân bản, không vì mục tiêu tăng trưởng và lợi nhuận mà vi phạm pháp luật, tha hóa đạo đức. Cần phải tạo ra một nền sản xuất hàng hóa thực sự là một nền sản xuất hàng hóa có đạo đức, tôi nhấn mạnh điều này, có đạo đức. Gồm có văn hóa khởi nghiệp, văn hóa sản xuất và đạo đức kinh doanh, đây chính là phải xây dựng nên nhãn hiệu Việt Nam. Muốn xây dựng một mô hình tăng trưởng cần đề cao hoạt động tư pháp, bởi hoạt động tư pháp chính là "bà đỡ" về phát luật, là hộ pháp của nền kinh tế. Không có hoạt động tư pháp lành mạnh thì không có hoạt động tư pháp kiên quyết theo như Thủ tướng nói là đánh trúng, đánh đúng và đánh liên tục vào các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Không có xét xử nghiêm minh, không có công lý, không bảo vệ quyền tự do kinh doanh, không bảo vệ quyền con người thì tôi nghĩ rằng tất cả các mô hình tăng trưởng đều có thể đổ vỡ, thất bại.