Đây là khẳng định của bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
|
Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội |
Loại bỏ 2/3 dây cáp thừa
Năm 2014, Hà Nội đã hoàn thành 3 đợt thí điểm thanh thải, sắp xếp các đường dây đi nổi tại nhiều tuyến phố nội thành. Xin bà cho biết kết quả chung của các đợt thí điểm này? Tỷ lệ các dây cáp được thanh thải là bao nhiêu phần trăm?
- Năm 2014, Sở TT&TT đã phối hợp với Sở Xây dựng, Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị và các DN viễn thông, truyền hình cáp triển khai công tác thanh thải, sắp xếp lại các đường dây, cáp đi nổi trên các cột đèn chiếu sáng công cộng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tại 35 tuyến phố.
Giai đoạn 3 từ 29/9 - 30/12/2014, Sở TT&TT đã phối hợp với Sở Xây dựng, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội và các DN viễn thông, truyền hình cáp tổ chức thanh thải, sắp xếp và bó gọn các đường dây, cáp đi nổi trên các tuyến phố. Tính đến ngày 20/12, đã tiến hành thanh thải, sắp xếp và bó gọn đường dây, cáp trên 50/55 tuyến phố theo đúng kế hoạch đề ra. Ngoài ra, Sở phối hợp với các Công ty Điện lực Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân thực hiện công tác thanh thải, sắp xếp và bó gọn các đường dây, cáp đi nổi trên địa bàn quản lý của các công ty điện lực theo kế hoạch.
Có thể nói, công tác thanh thải, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi trên các tuyến phố thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014" bước đầu đạt được kết quả nhất định và được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đảm bảo mỹ quan đô thị, mang lại bộ mặt mới cho Thủ đô. Tại những tuyến phố sau thực hiện thanh thải, sắp xếp đã thanh thải được khoảng 2/3 số lượng đường dây, cáp không sử dụng, cáp thừa không được thu hồi trên cột. Trên các tuyến phố đã thông thoáng hơn, không còn những búi dây, cuộn cáp thừa gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, điển hình là các tuyến phố: Đê La Thành, Hoàng Cầu, Thái Hà, Chùa Bộc, Huỳnh Thúc Kháng...
Có vướng mắc nào trong quá trình triển khai các đợt thanh thải hay không, thưa bà?
- Qua thực tế triển khai giai đoạn 2 và giai đoạn 3, chúng tôi nhận thấy vẫn còn một số tồn tại và hạn chế cần khắc phục như: Thời gian khắc phục thông tin liên lạc của các DN cung cấp dịch vụ viễn thông cho người dân còn kéo dài; các tuyến phố sau khi thanh thải đường dây điện lực sau công tơ vào một số hộ gia đình vẫn còn trùng võng chưa đảm bảo yêu cầu, gây mất an toàn và trên một số tuyến đã thực hiện thanh thải, sắp xếp còn tồn tại các tủ, hộp, măng xông cáp treo không đúng với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật gây mất mỹ quan đô thị. Nguyên nhân một phần là do triển khai trên diện rộng, qua nhiều địa bàn các quận (cả TP và các quận cùng làm), thời gian triển khai nhanh (trung bình 1 ngày/1 tuyến phố) do đó một số DN không đủ nhân sự và nguồn lực tham gia.
Phố Nguyễn Chí Thanh. Ảnh Hải Linh
|
Để khắc phục thực trạng trên, Sở TT&TT tiếp tục triển khai Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về công tác quản lý, xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị và cải tạo, sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi trên địa bàn TP. Đồng thời, Sở cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các DN trong việc tuân thủ pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến công tác sắp xếp lại các đường dây, cáp đi nổi để đảm bảo mỹ quan đô thị trên địa bàn TP và đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật để người dân tham gia giám sát quá trình sắp xếp đường dây, cáp đi nổi.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu số hóa
Thưa bà, đã có nhiều ý kiến lo ngại việc triển khai Đề án số hóa truyền hình của Hà Nội bị chậm so với kế hoạch. Công tác tuyên truyền cho Đề án cũng chưa tốt, người dân ở nhiều quận, huyện còn hiểu "lơ mơ"?
- Sở đã tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 2/7/2014 về Kế hoạch thông tin tuyên truyền triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng tuyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2014 - 2016. Bên cạnh đó, trong tháng 12 này, Sở đang triển khai sản xuất và phát hành 2 CD tuyên truyền về Đề án số hóa đối với đối tượng là người dân và DN. Các đĩa CD sẽ được gửi về 584 đài truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP. Nội dung các bài viết sẽ hướng dẫn phương thức xem truyền hình về Đề án số hóa. Cổng TTĐT Sở và Cổng Giao tiếp Điện tử Hà Nội cũng đã có chuyên mục tuyên truyền về Đề án và thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo điều hành của T.Ư và TP về các chính sách triển khai, hỗ trợ trong quá trình thực hiện Đề án.
Ngoài ra, Sở đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức hội nghị giao ban với UBND các quận, huyện, thị xã về những lợi ích của số hóa, các tác động khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự và các chính sách hỗ trợ của T.Ư và TP; phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về triển khai Đề án số hóa tới toàn bộ cán bộ văn hóa cấp huyện, xã và các cán bộ đài truyền thanh cơ sở. Sau hội nghị, Sở tiếp tục cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền triển khai Đề án số hóa tới phòng văn hóa thông tin, đài phát thanh, cán bộ văn hóa xã để triển khai trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở.
Năm 2015, Hà Nội sẽ làm gì để hoàn thành mục tiêu số hóa truyền hình trước ngày 31/12?
- Đề hoàn thành mục tiêu số hóa truyền hình mặt đất trên địa bàn TP theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình số mặt đất TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền theo Kế hoạch số 124/KH-UBND của UBND TP Hà Nội.
Chúng tôi cũng đặt mục tiêu hoàn thành công tác điều tra, thống kê hiện trạng phương thức thu xem truyền hình của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình chính sách trên địa bàn TP và báo cáo UBND TP, Bộ TT&TT để có phương án hỗ trợ đầu thu truyền hình số phù hợp; đẩy nhanh tiến độ thành lập Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình Đồng bằng sông Hồng (RTB) để triển khai phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất và cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất khu vực này. Sở cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện và khuyến khích các DN có tiềm năng về kỹ thuật, công nghệ và tài chính tham gia cấp phát thiết bị đầu thu truyền hình số mặt đất miễn phí cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách và tham gia hỗ trợ thiết bị đầu thu cho các hộ gia đình khác trên địa bàn TP để đẩy nhanh tiến độ số hóa.
Xin cảm ơn bà!
Theo kế hoạch, năm 2015, Hà Nội tiếp tục thực hiện thanh thải đường dây trên 200 tuyến phố. Trong đó, riêng quý I, triển khai tại 50 tuyến phố trên địa bàn 7 quận gồm: Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ. Lãnh đạo UBND TP đã yêu cầu các đơn vị phải làm quy củ, bài bản, đồng bộ hơn so với năm 2014; trong đó, ưu tiên sắp xếp, đảm bảo thông suốt các đường dây an ninh, quốc phòng. Đối với các đường dây khác sẽ thông báo kế hoạch sớm hơn hoặc trước 7 ngày, sau khi lắp đặt xong tại các cột, các đơn vị viễn thông phải tổ chức sắp xếp, đi dây tối đa trong vòng 7 ngày. |