Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết tâm đòi lại vỉa hè

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nay là năm thứ 3 được UBND TP Hà Nội chọn là “Năm trật tự và văn minh đô thị”, một lần nữa khẳng định quyết tâm của TP trong việc xây dựng Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Và với những kết quả đã đạt được trong những năm trước cũng như sự quyết tâm của bộ máy lãnh đạo mới, Chỉ thị 01 được kỳ vọng sẽ tiếp tục đi sâu vào từng ngõ, gõ cửa từng hộ dân.

Tập trung xóa các điểm ùn tắc

Theo thống kê của Sở GTVT, tính đến cuối năm 2015 trên địa bàn TP còn tồn tại 44 điểm đen gây UTGT. Tuy nhiên, chỉ trong quý I/2016, nhờ việc một số công trình giao thông hoàn thiện, sự điều chỉnh tổ chức giao thông phù hợp… Hà Nội đã giảm được 10 điểm thường xuyên ùn tắc như nút giao hầm chui Thanh Xuân, hầm chui Trung Hòa, Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy, cầu vượt nút giao trung tâm quận Long Biên, cầu Phương Liệt - dự án Vành đai 2, nút giao Lê Duẩn - Hai Bà Trưng...  Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tòng - Phó phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, việc thông xe và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường, cầu vượt có vai trò gỡ nút thắt cổ chai cho giao thông Thủ đô, giảm ùn ứ nhiều tuyến đường nhánh khác.

Cùng với đó, bằng sự chủ động trong việc khảo sát, điều chỉnh tổ chức giao thông phù hợp trên một số tuyến đường, nút giao trọng điểm, các lực chức năng của Hà Nội đã xóa được nhiều "điểm đen" thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Theo thống kê của Sở GTVT, trong 3 năm qua, Sở GTVT tổ chức phân làn, phân luồng phương tiện trên 25 tuyến phố; cải tạo 37 vị trí nút giao cắt và  đưa vào hoạt động Trung tâm đèn tín hiệu giao thông… Từ đó, đã nâng cao được khả năng lưu hành của phương tiện, xóa được nhiều "điểm đen" ùn tắc. Bên cạnh đó, việc Công an TP Hà Nội ban hành mệnh lệnh tăng cường lực tham gia đảm bảo trật tự ATGT tại các nút giao thông trọng điểm đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu UTGT tại nội đô, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.

Trả lại vỉa hè cho người đi bộ

Đã từ lâu câu nói “buôn bán ở quê không bằng ngồi lê Hà Nội” trở thành khẩu hiệu thôi thúc người dân ở các tỉnh lân cận đổ về Thủ đô bám lấy vỉa hè, lòng đường để mưu sinh. Thế nhưng, lượng người đổ về quá lớn, đã khiến hạ tầng giao thông, đô thị trở lên quá tải và cũng từ đó bộ mặt đô thị trở lên nhếch nhác, biến dạng, bởi tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh… Thậm chí, nếu như trước đây, những cảnh “chướng tai, gai mắt” chỉ xuất hiện trên những tuyến đường chính, những tuyến đường nhánh thì thời gian qua đã lan rộng vào tận các hang cùng, ngõ hẻm của Thủ đô.

Thế nhưng, với quyết tâm làm cho Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp” hơn, nay trong những ngày đầu mới tiếp quản “ghế nóng” tại Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã tuyên bố, đối với những đoạn vỉa hè diện tích không đủ 1,5m dành cho người đi bộ kiên quyết không cho phép buôn bán kinh doanh. Đối với những cơ sở kinh doanh gây mất vệ sinh môi trường, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương kiên quyết lập biên bản xử lý vi phạm, nếu chủ cơ sở vẫn tái phạm phải xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh.
Tuyến đường Đào Tấn luôn phong quang, sạch, đẹp.  	Ảnh:  Hải Linh
Tuyến đường Đào Tấn luôn phong quang, sạch, đẹp. Ảnh: Hải Linh
Trao đổi với chúng tôi về tuyên bố này của Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhiều người dân sống trên các tuyến phố mà vỉa hè “có cũng như không” như Hoàng Hoa Thám, Ngọc Hà… và đặc biệt tại các tuyến đường trong khu vực phố cổ không khỏi vui mừng, phấn khởi. Ông Phạm Văn Đức (phường Bưởi, quận Tây Hồ) cho biết, tình trạng hàng quán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông đã diễn ra từ lâu, thế nhưng các lực lượng chức năng dường như chỉ làm cho có, làm để đối phó. Chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải sẽ là cơ sở để người dân giám sát việc thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng.

Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu

Mặc dù, trong Chỉ thị 01 của UBND TP ban hành ngày 2/1/2014 đã có quy định rất rõ về trách nhiệm của người đứng đầu các lực lượng chức năng phụ trách địa bàn trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, mỹ quan đô thị. Song qua nhiều năm thực hiện, tại nhiều nơi, nhiều lúc công tác quy trách nhiệm này dường như bị lãng quên. Và nói như Bí thư Thành ủy Hà Nội thì công tác quản lý đô thị hiện còn nhiều hạn chế, “ngày nào cũng có vấn đề”.

Để khắc phục tình trạng trên, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu lãnh đạo cấp quận, huyện, xã phường cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo các lực lượng thanh tra, quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng từ khâu cấp phép đến kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng; chấn chỉnh công tác cấp phép và quản lý biển hiệu quảng cáo; tăng cường quản lý lòng đường, hè phố, từng bước chấm dứt tình trạng lấn chiếm để kinh doanh, không có vỉa hè cho người đi bộ. Đồng thời, TP cần khẩn trương nghiên cứu, bố trí thêm các điểm, bãi đỗ xe, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tham gia giao thông; có giải pháp thiết thực đảm bảo đời sống của Nhân dân khi tiến hành xóa chợ tạm, chợ cóc. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu, các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường kỷ cương hành chính, tăng tính quyết liệt, tự chịu trách nhiệm cá nhân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị, bảo đảm mọi công việc đều có người phụ trách và chịu trách nhiệm đến cùng...

Có thể nói, sau hơn 2 năm thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, bộ mặt đô thị tại Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực. Và mỗi năm trôi qua, các lực lượng chức năng và chính quyền sở tại lại rút ra cho mình những bài học, những kinh nghiệm mới trong công tác nâng cao chất lượng trong việc quản lý trật tự đô thị. Với những kết quả đã đạt được trong những năm trước cũng như sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo mới, Chỉ thị 01 của UBND TP được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá trong công tác quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân.
Hiện Hà Nội đang có khoảng 5,3 triệu xe máy, 560.000 ô tô, hơn 10.000 xe đạp điện và tốc độ tăng lượng ô tô vào khoảng 17%/năm, tốc độ tăng xe máy khoảng 11%. Tốc độ này đang cao gấp 1 - 1,5 lần tốc độ tăng GDP cộng với việc dân số tăng nhanh đang gây sức ép cực lớn lên hạ tầng.
Dự kiến trong giai đoạn từ 2016 - 2020, ngoài các dự án đang triển khai, Hà Nội sẽ khởi công đầu tư 46 dự án trọng điểm với tổng kinh phí 401.322 tỷ đồng với 31 dự án đường bộ, 6 tuyến đường sắt, 5 dự án bến xe... Đến năm 2020, Hà Nội sẽ phấn đấu vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30 - 35% tổng nhu cầu đi lại.