Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết tâm kiểm soát lạm phát dưới 5%

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 3 tháng cuối năm không tăng giá dịch vụ y tế, theo dõi diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tiếp tục giảm phí BOT và lãi suất..., Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu chủ động kiểm soát lạm phát, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2016 dưới 5%.

Nhiệm vụ còn nặng nề
Chiều 19/10, Ban chỉ đạo điều hành giá họp nhằm đánh giá kết quả kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và điều hành giá một số mặt hàng cụ thể trong 9 tháng năm 2016. Báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước bình quân 9 tháng năm 2016 tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài lạm phát tiền tệ cơ bản 1,81%, tác động vào CPI 9 tháng chủ yếu nhóm là thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục, lương thực và thực phẩm…

Người tiêu dùng mua hàng tại Hệ thống siêu thị Saigon Co.op. Ảnh: Thanh Vũ

Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh “quyết tâm kiểm soát lạm phát mức dưới 5% mà Quốc hội đề ra bằng các bước đi thận trọng hơn từ nay tới cuối năm”, đồng thời nhận định nhiệm vụ của Chính phủ, các địa phương còn khá nặng nề như nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ, Tết, diễn biến thất thường của thời tiết tác động tới giá lương thực, thực phẩm; tháng 11/2016, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu làm tăng giá xăng dầu; việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công và độ trễ của chính sách tín dụng cũng ảnh hưởng tới lạm phát… Phó Thủ tướng đánh giá, cả chiều giảm giá và chiều tăng giá đều là do chủ động như tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục cho đến giảm phí BOT. Sẽ tiếp tục tiết giảm phí BOT, Phó Thủ tướng cho biết, đồng thời yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính tích cực hướng dẫn trong tháng 10 giảm phí BOT ít nhất thêm 10 trạm thu phí. Yêu cầu Bộ Công Thương giữ không tăng giá điện trong năm nay; theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn để không tạo ra lạm phát kỳ vọng. Bộ Y tế chủ trì, xem xét, quyết định thực hiện vào các thời điểm thích hợp, tích cực thực hiện việc đấu thầu thuốc để kéo giá thuốc xuống, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2016 dưới 5%.
Cẩn trọng với chính sách tiền tệ
Với chính sách tiền tệ, “bằng mọi biện pháp giảm lãi suất cho vay, ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Chính sách tín dụng tập trung vào các lĩnh vực cần thiết ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, đổi mới sáng tạo, DN nhỏ và vừa… đi liền với kiểm soát chất lượng tín dụng” - Phó Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước.
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh cung tiền cuối năm vẫn đang được điều chỉnh tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong quý IV và đầu năm 2017, trong trường hợp có thể gây rủi ro lạm phát.
Vấn đề lo ngại hiện nay là CPI tăng do việc điều chỉnh các loại giá dịch vụ do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, điện, phí giao thông.  Tuy nhiên, trong điều hành, Chính phủ cũng đã dự liệu việc điều chỉnh các loại giá nêu trên, nên sẽ không tạo sự đột biến đối với CPI, nhất là đối với chỉ số lạm phát cơ bản (loại trừ giá lương thực và nhiên liệu).
TS Nguyễn Đức ĐộHọc Viện Tài chính
Nhìn tổng quát từ đầu năm đến nay, rất nhiều chỉ tiêu có tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2015. Còn nếu xét về chất lượng, một số nội dung của kinh tế vĩ mô (nhất là lạm phát, cán cân xuất/nhập khẩu, dự trữ ngoại tệ, tỷ giá...) đã được cải thiện, nhưng hiệu quả đầu tư, tốc độ tăng năng suất lao động còn thấp, có thể bị giảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài còn cao (trong đó có rất nhiều khoản đã đến hạn phải trả), nợ xấu ngân hàng còn lớn, giảm chưa thực chất... Từ thực tế trên, để cả năm thực hiện được mục tiêu tăng 6,7%, thì quý IV phải tăng khoảng 9%. Đó là tốc độ tăng rất cao đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Đào Ngọc Lâm