Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương:

Quyết tâm nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra trong 2 ngày 27 - 28/6. Với quyết tâm tổ chức thành công và nâng cao chất lượng kỳ thi, Hà Nội đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều khâu, tổ chức khảo sát, đa dạng hóa hình thức ôn tập cho học sinh.

Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - TS Trần Thế Cương về nội dung này.

Điểm nhấn của ngành giáo dục Thủ đô

Hà Nội luôn là địa phương có số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đông nhất cả nước. Quy mô kỳ thi năm 2024 của Hà Nội như thế nào, thưa ông?

- Hà Nội luôn là địa phương có số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đông nhất cả nước, chiếm 1/10 số thí sinh tham gia dự thi trên toàn quốc. Năm 2023, toàn TP có khoảng 100.000 thí sinh tham dự thi, trong đó có trên 3.000 thí sinh tự do. Để tổ chức kỳ thi thành công và an toàn, Hà Nội bố trí 201 điểm thi với gần 5.000 phòng thi; huy động khoảng 20.000 cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi; trên 500 thanh tra viên, hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ công an làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn. Ngoài ra, tham gia phục vụ kỳ thi còn có các bộ phận quan trọng khác như: y tế, dân phòng, thanh niên tình nguyện, môi trường, điện lực…

Năm 2024, số lượng thí sinh của Hà Nội dự thi tốt nghiệp THPT được dự báo là đông nhất từ trước đến nay, với khoảng xấp xỉ 120.000 thí sinh (gồm trên dưới 5.000 thí sinh tự do), ước tính Hà Nội sẽ tổ chức trên 200 điểm thi chính thức và cũng bố trí các phòng thi dự phòng theo quy định. Với số lượng như vậy, chắc chắn Hà Nội sẽ huy động cán bộ, giám thị coi thi và các lực lượng tham gia công tác tổ chức kỳ thi đông hơn năm trước.

TS Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội kiểm tra công tác tổ chức khảo sát tại Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm. Ảnh: Nam Du
TS Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội kiểm tra công tác tổ chức khảo sát tại Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm. Ảnh: Nam Du

Nhiều năm qua, Hà Nội được đánh giá cao ở công tác tổ chức khảo sát cho học sinh cuối cấp. Ông có thể nói rõ hơn về kỳ khảo sát năm nay?

- Trong tháng 2 và tháng 3/2024, Hà Nội đã tổ chức hai kỳ khảo sát, đó là kỳ khảo sát cho học sinh lớp 12 với 5 bài thi: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 và kỳ khảo sát cho học sinh lớp 11 với 2 bài thi bắt buộc: toán, ngữ văn để định hướng cho học sinh về kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2025.

Các kỳ khảo sát hướng đến hai mục đích: thứ nhất là để xác định năng lực thực tiễn của học sinh ở từng môn; từ đó có giải pháp, cách thức cụ thể, phù hợp từng đối tượng học sinh, giúp điều chỉnh phương pháp dạy và học cũng như nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thứ hai, kỳ khảo sát là bước rà soát, kiểm tra các điều kiện (cơ sở vật chất, nhân sự, quy trình…) của các điểm thi, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức.

Đáng chú ý, các công tác tổ chức hai kỳ khảo sát giống như một kỳ thi thật. Với quy mô trên 100.000 thí sinh, kỳ khảo sát học sinh lớp 12 tổ chức theo 16 cụm với 273 điểm thi, 4.850 phòng thi và huy động 12.125 giáo viên tham gia công tác coi thi và giám sát. Tại mỗi điểm khảo sát, mọi hoạt động được tiến hành bài bản, nghiêm túc theo đúng quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT. Có thể nói, hai kỳ khảo sát là điểm nhấn của ngành giáo dục Thủ đô, được phụ huynh, học sinh và dư luận ghi nhận, đánh giá cao.

Đa dạng hóa hình thức ôn tập

Công tác tổ chức ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2024 được Hà Nội tổ chức như thế nào, thưa ông?

- Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, với sự nỗ lực của toàn ngành, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chung của Hà Nội là 99,56%; tăng 0,27% so với năm học trước, tăng 11 bậc trong xếp loại toàn quốc (từ xếp thứ 27 lên vị trí 16); trong đó có 112 đơn vị có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm trước, 149 đơn vị có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%. Không những vậy, điểm thi tốt nghiệp cũng có mức tăng đáng kể, khoảng cách chất lượng giữa các trường đã được thu hẹp…

Bên cạnh những yếu tố tích cực thì qua kỳ thi, ngành giáo dục Hà Nội vẫn nhận thấy một số điểm hạn chế như: có trường không có sự chuyển biến về chất lượng qua từng năm; một số trường điểm tuyển sinh đầu vào cao, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp luôn đạt 100% nhưng vẫn có môn thi điểm số thấp bất thường...

Cuối tháng 3/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị đánh giá chất lượng kỳ thi này với sự tham gia của gần 100 cán bộ quản lý, đại diện các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Tất cả cùng ngồi lại để chia sẻ, đưa ra giải pháp và cùng quyết tâm nâng cao chất lượng kỳ thi năm 2024.

Một số giải pháp cụ thể được đưa ra đó là, các nhà trường tập trung xây dựng hệ thống tài liệu ôn tập phù hợp với từng đối tượng học sinh; chủ động rà soát, sắp xếp chương trình, kế hoạch dạy học học phù hợp điều kiện thực tiễn; chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường kiểm tra, khảo sát, đánh giá đúng thực lực học sinh…

Mới đây, Hà Nội đã chính thức khởi động chương trình hỗ trợ học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Chương trình bắt đầu được phát hành trên các nền tảng số của Đài PT&TH Hà Nội, phát sóng mỗi tuần 3 tiết, bắt đầu từ 19/4 đến hết 23/6.

Để các tiết dạy ôn tập trên truyền hình đảm bảo chất lượng và tiến độ, Sở GD&ĐT Hà Nội đã lựa chọn giáo viên giỏi ở ba môn ngữ văn, toán, Tiếng Anh của các trường THPT trên địa bàn, xây dựng nội dung bài giảng, bài tập, củng cố kiến thức ở mỗi tiết ôn tập cho học sinh. Ôn tập qua truyền hình là một trong những giải pháp tối ưu, có ý nghĩa hỗ trợ thiết thực cho học sinh lớp 12 trên địa bàn ôn thi hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Ông có lưu ý gì với lực lượng tham gia kỳ thi, nhất là cán bộ coi thi về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024?

- Ngày 16/4, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị Hướng dẫn thi, tuyển sinh năm 2024, trong đó có nội dung về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Tại đây, tất cả cùng thống nhất quan điểm là làm thế nào tổ chức kỳ thi thành công nhất, tốt đẹp nhất, ít sai sót nhất. Là địa phương có quy mô kỳ thi tốt nghiệp THPT lớn nhất cả nước, quá trình tổ chức kỳ thi khó tránh khỏi các tình huống phát sinh; trong đó có nhiều việc bất khả kháng, do khách quan đem lại.

Trong quá trình tổ chức kỳ thi, nguyên tắc đầu tiên phải là không vi phạm quy chế thi. Mặc dù kỳ thi năm nào cũng diễn ra nhưng đối tượng thí sinh mới, năm thi mới, địa điểm mới…, nên cán bộ coi thi không được chủ quan, không làm theo thói quen hay kinh nghiệm mà phải cẩn trọng, trách nhiệm; liên tục phổ biến, nhắc nhở thí sinh thực hiện đúng quy chế thi, không được phép mang vật dụng cấm vào phòng thi…

Tổ chức các kỳ thi tuyển sinh năm 2024, bao gồm kỳ thi tốt nghiệp THPT là nội dung, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn ngành GD&ĐT. TP huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác tổ chức thi với sự phân công nhiệm vụ đầy đủ, chi tiết, đảm bảo rõ người, kín việc. Với chức trách, nhiệm vụ được giao, ngành giáo dục Hà Nội sẽ chuẩn bị điều kiện tốt nhất về cả nhân lực, vật lực để góp phần tổ chức kỳ thi thành công và an toàn.

Trân trọng cảm ơn ông!