Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rà soát, bổ sung điều kiện tốt nhất cho thí sinh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vẫn còn những trắc trở, gây vất vả cho thí sinh...

Kinhtedothi - Mặc dù kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vẫn còn những trắc trở, gây vất vả cho thí sinh và gia đình, khiến lãnh đạo Bộ GD&ĐT phải lên tiếng nhận trách nhiệm, song kỳ thi cũng đã phân tầng rõ các trường ĐH, giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ cao hơn. Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ sẽ rà soát, bổ sung những thiếu sót để kỳ thi năm 2016 trọn vẹn hơn.

Tổ chức kỳ thi gọn nhẹ

Theo kế hoạch, đến 15/10 mới kết thúc đợt xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2015 - 2016. Tuy nhiên, nhận định về đợt nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng ĐH, CĐ vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, bản chất của việc gây mệt mỏi cho thí sinh và người nhà là sự thiếu quy hoạch phân luồng, thông tin về điểm chuẩn được cập nhật thiếu chính xác. Để khắc phục những hạn chế này và những khó khăn vất vả cho thí sinh, phụ huynh cũng như các trường ĐH, CĐ, cần phải có quy hoạch phân luồng hồ sơ hợp lý, dự báo và cập nhật thông tin điểm chuẩn một cách thực tế, chính xác.
Kiểm tra thông tin thí sinh trước khi thi tại Đại học Luật Hà Nội trong kỳ thi quốc gia 2015. Ảnh: Phạm Hùng
Kiểm tra thông tin thí sinh trước khi thi tại Đại học Luật Hà Nội trong kỳ thi quốc gia 2015. Ảnh: Phạm Hùng
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, kỳ thi THPT quốc gia có nhiều bất cập khi để thí sinh đăng ký tới 4 ngành trong một trường, được thay đổi nguyện vọng trong 20 ngày. Nhìn về kỳ thi năm 2016, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ sẽ cố gắng khắc phục những hạn chế trong khâu kỹ thuật, sẽ tổ chức rút kinh nghiệm tổng thể những gì mà kỳ thi THPT quốc gia cũng như xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua đã không lường trước được, để làm sao cho kỳ thi năm 2016 gọn nhẹ hơn, đảm bảo chất lượng, giảm bớt áp lực cho thí sinh và phụ huynh.

Tăng dần câu hỏi mở

Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh vào kết quả tích cực trong việc tạo cơ hội bình đẳng cho các vùng miền, đặc biệt là các vùng khó khăn, nâng cao tính cạnh tranh để góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao và hạn chế tiêu cực phát sinh. Đây chính là căn cứ để các nhà quản lý giáo dục đưa ra quyết định năm tới vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi “2 trong 1” (công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ). Để rút kinh nghiệm kỳ thi trước, tổ chức tốt kỳ thi tiếp theo, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các địa phương chuẩn bị các điều kiện để tổ chức kỳ thi.

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh cho biết, năm 2016, ngành giáo dục tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh. “Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn kỳ thi này, thời gian tới, Bộ sẽ tổng kết và rút kinh nghiệm đối với những hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Từ đó, đề xuất các giải pháp thực tế, khả thi để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế” – ông Trinh nhấn mạnh.

Trên tinh thần tất cả vì học sinh, giảm chi phí cho  gia đình và xã hội, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, sẽ rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chế kỳ thi THPT quốc gia; chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi; xây dựng phương án dự phòng rủi ro và các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thi.

Đặc biệt, về đề thi, lãnh đạo Bộ cho biết, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ma trận đề thi, đề thi minh họa theo hướng đánh giá năng lực, tăng dần các câu hỏi vận dụng, câu hỏi mở ở cả 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao…

Có thể thấy, kỳ thi THPT quốc gia 2014 - 2015, nếu như trước đây, đa số học sinh vùng khó khăn không tự tin đăng ký vào các trường ĐH top trên thì việc thi trước, chọn trường sau đã góp phần tạo thêm sự tự tin cho những học sinh này và cũng giúp thí sinh có cơ hội được vào học ở những trường tốt, phù hợp với mức điểm, năng lực.

Bên cạnh đó, các trường cũng cạnh tranh lành mạnh để thu hút học sinh giỏi, tạo điều kiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vùng, miền. Những ưu điểm này cộng với những đổi mới, rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm trước, hy vọng sẽ mang tới sự đổi mới thực sự toàn diện cho kỳ thi THPT quốc gia.