Đó là thông tin tại hội nghị triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2014 diễn ra ngày 7/1.
Thủ tục vẫn phức tạp
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, đến nay, cả nước đã cấp được gần 41 triệu sổ đỏ với tổng diện tích 22,7 triệu héc ta, đạt 94% diện tích các loại đất cần cấp và đạt 96% tổng số trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện. Trong đó, đất ở đô thị cấp đạt 95%; đất ở nông thôn đạt 94%; đất chuyên dùng đạt 78%; đất sản xuất nông nghiệp đạt 89%; đất lâm nghiệp đạt 98%. Như vậy, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội và Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã cấp được 8,2 triệu sổ đỏ lần đầu. Đến nay 61 tỉnh, TP đã hoàn thành cơ bản (đạt trên 85% tổng diện tích các loại đất cần cấp), còn 2 tỉnh chưa hoàn thành (đạt dưới 85% diện tích cần cấp) là Hải Dương, Bình Phước và không có tỉnh nào đạt dưới 70%.
Làm thủ tục hành chính về Quyền sử dụng đất tại huyện Từ Liêm. Ảnh: Hải Linh
|
Theo Bộ TN&MT, phần lớn các trường hợp chưa cấp sổ đỏ do không có giấy tờ hợp lệ, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai từ nhiều năm qua chưa được giải quyết. Đối với đất ở, vi phạm chủ yếu dưới các hình thức chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công, mua bán "trao tay" không đủ điều kiện theo quy định. Tại các dự án phát triển nhà ở, có nhiều trường hợp chủ đầu tư sai phạm dưới nhiều hình thức: Chưa xong thủ tục pháp lý về đất đai nhưng đã xây dựng và bán nhà ở; chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai; xây dựng không đúng giấy phép hoặc không đúng thiết kế, quy hoạch xây dựng được duyệt...
Nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác cấp sổ đỏ đã được lãnh đạo Bộ TN&MT chỉ ra. Đó là thủ tục cấp sổ đỏ ở một số địa phương vẫn phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài; tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu trong quá trình cấp sổ đỏ vẫn còn ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng tồn đọng sổ đỏ đã ký nhưng người sử dụng đất chưa đến nhận còn nhiều (khoảng 500.000 sổ đỏ), tập trung chủ yếu ở 11 tỉnh: Lạng Sơn, Hưng Yên, Bình Phước, Cao Bằng, Quảng Bình, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Sơn La, Quảng Nam, Gia Lai. Nguyên nhân do người dân không có khả năng hoặc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Tích cực tháo gỡ vướng mắc
Để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu, sửa đổi pháp luật đất đai hiện hành để xử lý triệt để các vi phạm. Theo đó, các trường hợp thuộc quy hoạch sử dụng đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì kiên quyết thu hồi; các trường hợp còn lại sử dụng đất đã ổn định, phù hợp với quy hoạch cho phép làm thủ tục công nhận quyền sử dụng đất, nhưng phải thu tiền sử dụng đất theo giá thực tế để đảm bảo công bằng. Bên cạnh đó, ngành sẽ rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến thu tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ khi cấp sổ đỏ lần đầu để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay. Đồng thời đổi mới cơ chế thu, sử dụng các khoản thu từ đất theo hướng giảm mức thu khi cấp sổ đỏ lần đầu đối với các trường hợp sử dụng đất hợp pháp, khuyến khích việc đăng ký đất đai; tăng thu đối với các trường hợp vi phạm để đảm bảo công bằng.
Tại Hà Nội, theo báo cáo, năm 2013, toàn TP đã cấp được 82.123 sổ đỏ, đạt 95% kế hoạch năm. Như vậy, tính đến hết năm 2013, toàn TP đã cấp được 1.245.698 sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân, đạt 99,6% thửa đất đủ điều kiện và đã kê khai đăng ký. Đối với tổ chức, đã cấp được 8.099/19.247 thửa đất cần kê khai, đạt 42%. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, trong năm 2014, TP tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Cấp tối thiểu 2.000 sổ đỏ cho các tổ chức, cấp 45.573 sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân (trong đó, cấp 40.000 sổ đỏ cho căn hộ tại các dự án phát triển nhà ở đã xây dựng xong). Đồng thời, rà soát, xử lý cấp sổ đỏ hoặc lập hồ sơ quản lý đối với hơn 144.000 thửa đất còn tồn đọng, vướng mắc, chưa đủ điều kiện cấp sổ đỏ.
Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TNMT
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của Bộ TN&MT trong việc phát huy thế mạnh để tái cơ cấu, tăng trưởng nền kinh tế. Thủ tướng chỉ đạo, trong năm 2014, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả phát triển, tăng cường năng lực quản lý Nhà nước; hoàn thiện, xây dựng các thể chế, chính sách. Từ tháng 7/2014, Luật Đất đai sửa đổi sẽ có hiệu lực, vì vậy, Bộ TN&MT phải nghiên cứu kỹ nội dung dự thảo các Nghị định hướng dẫn, nhằm quản lý hiệu quả đất đai; đồng thời xem xét tạo công ăn việc làm cho người có đất bị thu hồi. Bên cạnh đó, lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước phải có kế hoạch giải quyết những dòng sông "chết", gây ô nhiễm môi trường; lĩnh vực tài nguyên khoáng sản tăng cường thanh, kiểm tra bởi nhiều nơi cấp phép không đúng quy định, khai thác trái phép, hiệu quả không cao, gây ra tình trạng đường sá bị sạt lở, hư hỏng, ô nhiễm môi trường…