Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rất cần sự chung tay, đồng lòng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều lần lùi thời vụ gieo cấy vụ xuân 2014 do vướng mắc trong dồn điền đổi thửa (DĐĐT), đến nay xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai chưa hoàn thành kế hoạch gieo cấy. Nguyên nhân là do người dân vẫn chưa đồng thuận với cách làm trong DĐĐT của chính quyền địa phương.

Vỡ kế hoạch gieo cấy

Khung thời vụ gieo cấy lúa xuân 2014 tốt nhất do Sở NN&PTNT Hà Nội đưa ra là kết thúc trong tháng 2. Tuy nhiên, do vướng mắc trong DĐĐT, nên đến hết tháng 2, xã Tuyết Nghĩa vẫn còn rất nhiều diện tích chưa gieo cấy. Trước tình hình đó, UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo xã tích cực vận động người dân nhận ruộng, gieo cấy xong trước 20/3. Nhưng đến thời hạn, vẫn còn một số thôn của xã Tuyết Nghĩa chưa hoàn thành. Một lần nữa, UBND xã Tuyết Nghĩa lại tiếp tục gia hạn khung thời vụ tới ngày 25/3 và chậm nhất là 30/3 phải hoàn thành gieo cấy. Tuy nhiên, địa phương vẫn "vỡ kế hoạch".
 
Một số diện tích nông nghiệp của thôn Cổ Hiền, xã Tuyết Nghĩa đang bị bỏ không. Ảnh: Quang Thiện.
Một số diện tích nông nghiệp của thôn Cổ Hiền, xã Tuyết Nghĩa đang bị bỏ không. Ảnh: Quang Thiện.
Đến Tuyết Nghĩa một ngày đầu tháng 4, khá nhiều thửa ruộng đã được phủ xanh, diện tích cấy lúa đã nhiều hơn trước. Dù ở các địa phương khác, lúa đã đẻ nhánh và bước vào giai đoạn bón thúc, song ở các thôn Cổ Hiền, Độ Lân, Liên Trì, xã Tuyết Nghĩa vẫn còn bóng dáng bà con ra đồng cấy lúa. Đây cũng được xem là kết quả đáng ghi nhận của chính quyền địa phương khi tích cực vào cuộc vận động người dân cấy lúa, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên xã đã gương mẫu đi đầu. Tuy nhiên, thực tế tại 3 thôn trên vẫn còn một diện tích không nhỏ ruộng bỏ trắng, chưa cấy. Chị Nguyễn Thị Vân, thôn Cổ Hiền cho biết, nhiều hộ dân chưa cấy vì không đồng tình với cách thực hiện DĐĐT của HTX Liên thôn xã Tuyết Nghĩa. Hơn nữa, nhiều xứ đồng hiện chưa có nước để cấy.
Theo thống kê của UBND xã Tuyết Nghĩa, đến thời điểm này, toàn xã đã gieo cấy được khoảng 80% diện tích, số còn lại chưa hoàn thành chủ yếu ở 3 thôn: Cổ Hiền, Độ Lân và Liên Trì. Mặc dù, chính quyền đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nhận ruộng, gieo cấy và thông báo các chính sách hỗ trợ của xã, huyện như hỗ trợ 50% công làm đất, gieo mạ nhưng đến nay cả chính quyền và người dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Thực tế trong những ngày qua, tình trạng tranh chấp giữa chủ mới và chủ cũ tiếp tục xảy ra, dẫn đến nhiều hộ chưa thể gieo cấy. Một cán bộ HTX Liên thôn cho biết, hiện thôn Cổ Hiền mới gieo cấy đạt khoảng 30%, thôn Độ Lân đạt khoảng 50% diện tích.

Điều chỉnh lại quy trình 

Trước thời vụ ngày một khẩn trương, UBND xã Tuyết Nghĩa chủ trương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ gieo cấy trong những ngày đầu tháng 4. Trong ngày 2/4, xã đã huy động các tổ chức đoàn thể ra quân gieo cấy giúp người dân, nếu hộ nào không có điều kiện cấy, chỉ cần đăng ký với trưởng thôn để nhận ruộng chăm sóc lúa sau này. Nếu hộ nào nhận ruộng và tự gieo cấy, HTX sẽ hỗ trợ đủ nguồn mạ. Với những diện tích gặp khó khăn về nguồn nước, xã vận động bà con tự bơm, tát nước, đồng thời tính toán phương án hỗ trợ. Thế nhưng thực tế, do vẫn chưa có sự đồng thuận nên kết quả gieo cấy đạt được còn hạn chế. Nguyện vọng của người dân các thôn Cổ Hiền, Liên Trì, Độ Lân hiện nay là Ban Chỉ đạo DĐĐT của xã điều chỉnh lại quy trình thực hiện theo hướng công khai, dân chủ có sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân. Trong đó, quy hoạch các khu tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, đất đấu giá phải hợp lý, tránh tình trạng lấy đất hai lúa "bờ xôi ruộng mật" như hiện nay. Đồng thời, khi DĐĐT, diện tích đất của thôn nào trả về thôn đó, tránh sự xáo trộn và tránh thiên vị cho cán bộ. Nếu giải quyết được những vấn đề này, người dân sẽ đồng ý nhận ruộng canh tác.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Tuyết Nghĩa Đặng Văn Tùng cho biết, những kiến nghị của người dân có nhiều điểm rất chính đáng và cần phải được xem xét, rà soát lại. Xã cũng chủ trương trong tháng 4 sẽ kiện toàn lại Ban Chỉ đạo DĐĐT và một số Tiểu ban DĐĐT ở thôn. Đồng thời, làm lại quy trình DĐĐT, tổ chức họp, lấy ý kiến người dân để tạo sự đồng thuận, trên cơ sở đó sẽ tiến hành DĐĐT sau khi kết thúc vụ mùa 2014. Trước mắt, khi khung thời vụ gieo cấy đã qua, xã đã định hướng bà con chuyển sang gieo trồng các cây màu ngắn ngày như bí xanh, bí đỏ, lạc xuân… và kiến nghị với UBND huyện có phương án hỗ trợ cho bà con nông dân. Rõ ràng, chính quyền xã Tuyết Nghĩa đã tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn và "sửa sai", song, điều cần làm hiện nay là xã sớm có hướng giải đáp thắc mắc, kiến nghị của người dân để tạo được sự đồng thuận, ổn định tình hình. Bởi, một khi người dân chưa đồng tình, dù địa phương có hỗ trợ nhiều đến mấy cũng không đạt được kết quả như mong đợi.
Những sai sót cần phải được sửa chữa, song thời vụ cũng cần phải hoàn thành, tránh tình trạng bỏ ruộng hoang, bởi nếu không gieo trồng, người thiệt thòi trước tiên chính là bà con nông dân. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương xã Tuyết Nghĩa, rất cần có sự chung tay, đồng lòng của người dân để sớm hoàn thành kế hoạch gieo trồng vụ xuân 2014, đảm bảo an ninh lương thực.

 
"Huyện đã chỉ đạo xã Tuyết Nghĩa thống nhất trong lãnh đạo để tuyên truyền, vận động, cán bộ, Nhân dân cấy hết diện tích và tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông dân cấy muộn nếu năng suất giảm so với các trà lúa chính vụ. Đồng thời yêu cầu UBND xã trả lời những ý kiến, thắc mắc của người dân tại 4 thôn: Cổ Hiền, Liên Trì, Độ Lân và Muôn liên quan tới vấn đề DĐĐT." - Ông Dương Tôn Kiên - Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai