Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rau an toàn Văn Đức không lo ế hàng

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi nhiều vùng sản xuất rau của Hà Nội đang gặp khó khăn về đầu ra thì tại vùng trồng rau an toàn (RAT) xã Văn Đức (huyện Gia Lâm), nông dân vẫn yên tâm sản xuất bởi sản phẩm RAT của địa phương đã có nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Thời điểm này, mặc dù giá rau đang xuống thấp nhưng trên cánh đồng RAT Văn Đức, không khí sản xuất vẫn nhộn nhịp. Theo nhiều hộ sản xuất, rau ở đây luôn được bán với giá cao hơn so với các nơi khác từ 1.000 – 1.500 đồng/kg.
 Sơ chế, đóng gói rau an toàn tại Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức. Ảnh: Ánh Ngọc
Ông Đặng Văn Phúc, ở thôn Trung Quan 1, xã Văn Đức phấn khởi chia sẻ: "Nhờ sản xuất theo chuỗi, toàn bộ sản phẩm được hợp tác xã (HTX) đứng ra bao tiêu nên xã viên không lo về đầu ra. Gia đình tôi có hơn một mẫu trồng các loại cải bắp, súp lơ, cải thảo, chỉ tính riêng vụ rau dịp Tết Nguyên đán 2018, trừ các khoản chi phí, tôi thu lãi gần 50 triệu đồng".
Hiện, toàn xã Văn Đức có 250ha RAT, trong đó 15ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, trung bình mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường khoảng 40 – 50 tấn rau các loại. Trong số đó khoảng 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn TP, số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận.
Đặc biệt, HTX vẫn đang duy trì xuất khẩu rau cải thảo sang Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc. Để giải quyết tốt vấn đề đầu ra, HTX đã tổ chức sản xuất đa dạng các loại rau, cân đối diện tích gieo trồng, tránh làm ồ ạt một loại rau khiến khó bán, giá cả không đảm bảo. Cùng với đó, HTX ký hợp đồng với các DN cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xã viên. Nhờ vậy, sản lượng rau trên 30.000 tấn mỗi năm vẫn được tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế đạt trung bình hơn 400 triệu đồng/ha/năm.

Nhằm giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất rau ngay tại ruộng, HTX đã thực hiện mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng hệ thống đảm bảo có sự truy xuất nguồn gốc (PGS) trong sản xuất RAT. Hiện nay, HTX đã thành lập được 20 nhóm sản xuất, mỗi nhóm từ 25 – 30 hộ thành viên trồng rau. Trong đó, mỗi nhóm sẽ bầu ra một tổ trưởng đảm nhiệm việc giám sát, quản lý và đảm bảo toàn bộ diện tích rau được trồng theo đúng quy trình.
Các hộ thành viên đều được cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội tập huấn sản xuất RAT, sản xuất theo VietGAP, phòng trừ dịch hại IPM... Bên cạnh đó, mỗi hộ còn được cấp sổ nhật ký đồng ruộng cập nhật đầy đủ thông tin quy trình sản xuất (thời gian, cách sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học...).

Phó Chủ tịch UBND xã Văn Đức Đinh Văn Yên cho biết, sản phẩm RAT của Văn Đức đã có nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc xuất xứ nên "đầu ra" đã không còn là mối lo ngại. Tuy nhiên về lâu dài, để duy trì và nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất của vùng RAT, Văn Đức mong muốn được TP, Sở NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm cung cấp nguồn nước sạch phục vụ nông dân trồng RAT.