Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rau quả vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo ngành hàng rau quả, xúc tiến đầu tư và xây dựng thương hiệu tổ chức chiều 24/5, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành rau quả của Việt Nam đang có bước phát triển đáng kể, song còn phụ thuộc vào một số thị trường chính.

 Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang chưa ổn định về thị trường tiêu thụ. Ảnh: Lê Hiếu.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhận định, trong vài năm gần đây, rau quả là sản phẩm có nhiều tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam khi thành tích xuất khẩu liên tục tăng mạnh qua từng năm. Đặc biệt là các nhà xuất khẩu Việt Nam đã mở cửa thành công một số thị trường phát triển, giá cao, qua đó tăng cơ hội đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro thị trường. Mặt khác, sự đầu tư mạnh mẽ của khu vực tư nhân, đặc biệt là đầu tư công nghệ cao và nhu cầu lớn, đa dạng của thị trường nội địa là một thuận lợi đáng kể của ngành rau quả so với các tiểu ngành nông nghiệp khác hiện nay.
Tuy vậy, ngành rau quả Việt Nam vẫn còn phân tán, chưa được tổ chức hiệu quả và còn non nớt trên các thị trường quốc tế, xét đến sự gia tăng chính sách bảo hộ trong nền kinh tế thế giới, các rào cản phi thuế trong thương mại rau quả và đặc tính thời hạn sử dụng ngắn của rau quả hàng hóa thô.
Ông Nigel Smith - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fine Fruit Asia nhận định, trái cây đang là mặt hàng chiếm ưu thế trong xuất khẩu nông sản và Việt Nam đang trở thành một trong những đối tác quan trọng của khu vực. Tuy nhiên, điều hạn chế là rau quả của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều nhất vào sản phẩm xuất khẩu hàng đầu là thanh long và thị trường Trung Quốc. Hiện Trung Quốc thống trị cầu xuất khẩu của thanh long Việt Nam (chiếm tới 91%) nhưng đây là thị trường cực kỳ bất ổn, trong khi đó, thị trường trong nước vẫn phân tán. Những điều này cho thấy mối quan hệ không ổn định giữa nhà sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời thể hiện sự chấp nhận và đầu tư hạn chế của nông dân trong các mô hình sản xuất an toàn do thiếu động cơ thị trường.
Đánh giá của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho thấy, thị trường rau quả Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng cho ngành rau quả Việt Nam. Các sản phẩm trái cây tươi được nước này nhập nhiều từ Việt Nam như sầu riêng, nhãn, vải, chôm chôm, chuối.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã cập nhật diễn biến và đưa ra dự báo thị trường rau quả trong thời gian tới, dựa vào đó để bàn thảo các giải pháp để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, xây dựng chất lượng và thương hiệu cho ngành hàng rau quả với tư cách là ngành hàng chiến lược quốc gia trong tương lai. Đồng thời, hội thảo cũng tập trung nêu ra định hướng phát triển, định hướng thu hút đầu tư và kết nối thương mại trong ngành hàng rau quả cho các đối tác.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 4 năm 2017 ước đạt 313 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hàng rau quả 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam.