Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rối bời lãi suất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng (NH) huy động vốn và cho vay theo quy định lẫn quy luật cung - cầu khiến thị trường lãi suất đang có những diễn biến phức tạp.

Nơi giảm, nơi tăng

Sau 2 tháng cầm chừng, lãi suất huy động của các NH thương mại (NHTM) có trồi sụt đáng kể. Một số thành viên đã nâng mức cao nhất 7,3 - 7,4%/năm lên 7,5%/năm. Có trường hợp sau khi rút xuống 7%/năm đã nhanh chóng nâng trở lại 7,1%/năm. Có những trường hợp giảm nhẹ từ 0,1 - 0,2%/năm ở một số kỳ hạn. Hiện, lãi suất huy động chưa thể hiện rõ xu hướng, với một số NH đã tăng lãi suất huy động, trong khi các NH cổ phần khác lại giảm nhẹ.
Giao dịch tại Chi nhánh HDbank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Giao dịch tại Chi nhánh HDbank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Tương tự, đối với lãi suất cho vay, sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, NH Nhà nước (NHNN) được chỉ đạo xây dựng lộ trình báo cáo Thủ tướng, quyết tâm từ nay đến cuối năm đưa ra các kịch bản giảm lãi suất. Báo cáo tuần sau đó của NHNN chỉ dẫn chứng SHB và TPBank giảm 0,5% lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên. Mức cho vay phổ biến của các NH cổ phần với sản xuất kinh doanh (SXKD) thông thường vẫn là 7,8 - 9% (ngắn hạn) và 10 - 11% (dài hạn). Mức lãi suất này không thay đổi so với nhiều lần báo cáo trước đó. Mức giảm nhẹ chỉ diễn ra ở nhóm NHTM Nhà nước với lãi suất cho vay SXKD thông thường ngắn hạn cao nhất từ 8,8% xuống 8,5% và dài hạn từ 10,5% xuống 10,3%.

Thống kê từ báo cáo hàng tuần của NHNN cho thấy, lãi suất cho vay trung và dài hạn của các NHTM cổ phần cho vay SXKD dao động từ 10 - 11%. Các NHTM Nhà nước có lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 0,7% trên cùng kỳ hạn và đối tượng cho vay.

Thị trường đang chờ đợi những tác động cụ thể và rõ rệt hơn từ NHNN, để lãi suất cho vay thực sự giảm được như mong muốn và định hướng Chính phủ đã đề ra.

Vướng từ đâu?

Các NH đang có động thái giảm lãi suất cho vay, song trừ các DN thuộc diện ưu tiên, các công ty lớn hoạt động tốt, thì đa số DN và cá nhân vẫn đang phải vay với lãi suất 10 - 12%.

Định hướng giảm lãi suất cho vay được Chính phủ đặt trực tiếp đối với NHNN, nhưng thực tế lại đang xuất hiện những trở ngại nằm ngoài chủ động hoặc khả năng can thiệp được trực tiếp của nhà điều hành chính sách tiền tệ.

Tháng 5/2016 là tháng thứ 8 liên tiếp lạm phát tăng và có chiều hướng tăng mạnh lên. Bên cạnh chỉ đạo giảm lãi suất cho vay mà Chính phủ đặt ra, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% cũng gắn trực tiếp với NHNN. Việc kéo lãi suất xuống là mâu thuẫn với chủ trương chống lạm phát. Muốn chống lạm phát thì công cụ hữu hiệu nhất là lãi suất và lãi suất phải cao để có thể thu hút tiền trong lưu thông về.

Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm thấp hơn tăng trưởng huy động, nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức, lãi suất VND trên thị trường liên NH tháng 6 có xu hướng tăng trở lại. Nỗi lo thanh khoản vẫn thường trực, không chỉ vì áp lực tỷ giá và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18 - 20% trong năm...  “Về dài hạn, áp lực tăng lãi suất sẽ lớn dần khi tín dụng chịu áp lực tăng trưởng 18 - 20% trong năm 2016, trong khi 5 tháng đầu năm, chỉ tiêu này mới tăng tổng cộng hơn 4%” - NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phân tích, trong khi "nợ xấu vẫn còn đó thì NH vẫn phải huy động để bù đắp vào món tiền này, đó là còn chưa kể tới chi phí vốn"…

Báo cáo của BIDV nhận định thêm: "Lãi suất huy động dự báo sẽ tăng nhẹ đảm bảo thanh khoản cho tín dụng, một phần “cạnh tranh” với thị trường trái phiếu Chính phủ và diễn biến của lạm phát”. Số liệu cho thấy, tính đến hết tháng 5/2016, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công trên 147.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ qua đấu thầu. Nếu Chính phủ tiếp tục phát hành trái phiếu với lãi suất cao như hiện nay, chắc chắn lãi suất không thể giảm.

Theo các chuyên gia, để giảm lãi suất cho vay, quan trọng là phải thu hẹp chênh lệch giữa huy động và cho vay ở các NHTM, phụ thuộc vào yếu tố vĩ mô, hiệu quả hoạt động của từng NH, cơ cấu lại hệ thống NH và việc loại bỏ những NH yếu kém, nếu không việc giảm lãi suất thực chất chỉ có thể diễn ra trong diện hẹp và ở những NH thanh khoản tốt, dù đã có chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc NHNN.