Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rome gia nhập loạt thành phố "nổi cáu" vì du khách

Hương Thảo (Theo AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu bạn ăn uống hoặc leo trèo trên các di tích, đi lại nơi công cộng mà không mặc quần áo hay lội qua đài phun nước - bạn sẽ bị đuổi khỏi trung tâm thủ đô Italia ít nhất 48 giờ.

Một nữ cảnh sát nhắc nhở du khách ngồi bên đài phun nước Trevi ở Rome. 
Thị trưởng Rome hôm 7/6 đã thể hiện sự bực tức khi cảnh báo nhiều hành vi quá khích của khách du lịch tới TP nổi tiếng nhiều di sản nghệ thuật này, bao gồm việc vui đùa trong các đài phun nước công cộng, phá hoại các di tích và coi các địa danh như khu vực cá nhân của mình.
Một lệnh cấm cũng đã được chính quyền Rome thông qua đối với các hành vi xấu của du khách, mà theo đó, nếu bạn ăn uống hoặc leo trèo trên các di tích, đi lại nơi công cộng mà không mặc quần áo hay lội qua đài phun nước - bạn sẽ bị đuổi khỏi trung tâm thủ đô Italia ít nhất 48 giờ.
Biện pháp này sẽ được duy trì thực hiện nghiêm túc vĩnh viễn, thay vì chỉ mang tính tạm thời hay cảnh báo thay đổi nhận thức đơn thuần. Động thái của Rome được cho là theo sau một loạt nỗ lực của các TP đang chịu cảnh "tắc nghẽn du lịch" trên khắp thế giới nhằm điều chỉnh hành vi của du khách, và thậm chí để giới hạn số lượng.
Một TP nổi tiếng khác của Italia, Florence, năm ngoái đã ban hành một sắc lệnh phạt tiền lên tới 500 Euro (575 USD) với những du khách ăn trên vỉa hè hoặc ở các ô cửa vào giờ ăn gần phòng trưng bày Uffizi trứ danh. Venice trong quá khứ cũng đã cấm khách du lịch ăn ở Quảng trường St. Mark trừ khi họ ăn uống tại các quán hàng tại khu vực này.
Khách du lịch trèo vào đài phun nước Barcaccia thế kỷ 17 ở Bernini, Rome.

Tại Pháp, Bảo tàng Louvre ở Paris đã đóng cửa 1 ngày sau khi nhân viên nói rằng đám đông đã quá tải để có thể xử lý. Thủ đô Amsterdam của Hà Lan mới đây cũng có kế hoạch cấm các tour du lịch tới khu đèn đỏ nổi tiếng của TP này.
Trong trường hợp của Rome, khách du lịch không phải là mục tiêu duy nhất của lệnh cấm, khi nhiều người dân địa phương có xu hướng hóa trang thành các nhân mã - không mặc áo - và đòi số tiền đáng kể từ những khách du lịch tự chụp ảnh với họ. Các "nhân mã giả" này trước đây đã bị cấm tại Đấu trường La Mã hay nhiều di tích cổ xưa khác ở Rome, nhưng họ vẫn cố lách luật bằng việc thay đồ ở khu gần đó để tránh rắc rối với cảnh sát.