Tăng bo bằng xe chuyên dụng của UBND huyện Tuy Phước, qua gần 10 lần vượt tràn nước lũ và tiếp cận dân bằng những chiếc sõ nhỏ giữa mênh mông biển nước khoảng 5km mới vào được vùng cô lập.
Ông Huỳnh Đức Trị, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước nói: “Chúng tôi đã và đang tiến hành từng bước vận chuyển các nhu yếu phẩm trước mắt vào giúp đỡ dân. Để tiếp cận được chỉ còn cách “ứng cứu tại chỗ” của đội xung kích thôn và xã, hy vọng vài ngày nữa lương thực sẽ đến được từng hộ dân vùng cô lập”.
Theo quan sát, đến trưa ngày 10/11 toàn bộ hơn 500 hộ dân thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng vẫn mịt mù trong nước. Cảnh từng ngôi nhà, từng chiếc sõng nhỏ được dân chèo ra đón từng thùng mì tôm phát cho dân mà thấy quặn lòng. Chị Trần Thị Thuận, 57 tuổi trú thôn Lạc Điền cho hay: “Nước ngập đến nay đã hơn 10 ngày, chúng tôi nhà ai cũng hết sạch đồ ăn, ngày ngày cứ ngóng đoàn cứu trợ. Hôm nay mới thấy đoàn này vào đầu tiên, chúng tôi mừng lắm”.
Cụ ông Mai Hữu Tư, 75 tuổi ở thôn Lạc Điền có nhà bị sập hoàn toàn đã 3 ngày nay, cụ cố gồng mình nhặt nhạnh những thứ có thể dùng trên cái nền nhà vừa bị sập đổ. Cụ cho biết: “Nhà có hai ông bà già, vợ đã vào TP Hồ Chí Minh bán ve chai kiếm sống, tui sức yếu nên ở nhà làm ruộng, nay nhà sập sạch trơn, mấy hạt lúa cũng ướt sạch, nếu không có đoàn cứu trợ nào vào chắc tui khó cầm cự qua cơn lũ quá các chú ơi”.
Dọc các thôn vùng trũng xã Phước Hòa và Phước Thắng chỉ quan sát bằng mắt thường cũng thấy cảnh hàng ngàn hộ dân đang bị nước lũ bao vây. Ông Đinh Kim Anh, trú thôn Kim Xuyên, xã Phước Hòa cho biết: “Trong thôn không phải ai cũng có ghe mà chèo chống ra ngoài mua đồ cầm cự, hôm nay có đoàn cứu trợ của huyện xuống chúng tôi thay phiên nhau ra nhận dùm rồi mang về phát lại cho bà con người vài gói mì làm canh ăn cho đỡ xót”.
Theo chị Nguyễn Thị Thuận, thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng: “Cả đội 2 có 17 hộ của thôn Lạc Điền có mỗi một chiếc sõng, bà con trong xóm chia nhau vay từng lon gạo nay cũng hết trơn rồi. Sáng nay tui liều mình chèo lên chợ Gò Bồi mua được mấy cân miến mang về phân phát cho bà con cũng phải đi mất cả buổi mới mua được. Cứ đà này cấp trên phải tìm cánh cứu đói khẩn cho chúng tôi?”.
Theo ông Phan Thanh Hải, trưởng thôn Lạc Điền: “Cả hai cơn lũ chồng nhau khiến dân trở tay không kịp, các đội 4,5,6 trong thôn nước ngập sâu trên 2m. Chúng tôi túc trực cả ngày đầu lối ra vào thôn để chờ đoàn cứu trợ về với dân nhưng nay mới có đoàn báo chí về đầu tiên. Còn lương thực nghe đâu đã có trên UBND xã mà nước quá sâu nên vẫn chưa về được với dân”.
Phú Yên: Mưa giảm, nhiều nơi vẫn bị chia cắt Ngày 10/11, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã giảm, nhiều khoảng thời gian trong ngày trời không mưa, nước đã bắt đầu rút. Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt vẫn còn diễn ra cục bộ tại một số vùng trũng thấp. Tại huyện Tuy An, mưa lũ gây chia cắt hoàn toàn giữa 2 vùng dân cư Tân Quy và Phước Đồng (xã An Hải), làm sập 5 căn nhà. Nhiều khu vực dân cư ở các xã An Nghiệp, An Định, An Ninh Tây, An Cư và thị trấn Chí Thạnh cũng bị nước lũ gây chia cắt cục bộ. Tại huyện Tây Hòa, nhiều tuyến đường liên xã từ thôn Phú Thứ (xã Hòa Bình 2) đi Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây, Hòa Thịnh nước vẫn ngập và chia cắt, nhiều nhà dân bị cô lập, người dân phải sử dụng thuyền làm phương tiện đi lại. Hai đợt lũ từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 đến nay tại Phú Yên đã làm 6 người chết và 1 người mất tích. Toàn tỉnh đã sơ tán 1.082 hộ với 2.928 khẩu. |