Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rộn ràng Lễ khai giảng Quốc gia

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (5/9), trong không khí tưng bừng, nô nức của ngày hội đưa trẻ đến trường, tất cả các trường học trên phạm vi cả nước đồng loạt tổ chức lễ khai giảng, chào đón năm học 2015-2016.

So với mọi năm, lễ khai giảng năm nay được tổ chức đơn giản, gọn gàng, lấy học sinh làm trung tâm, cùng thời điểm nên cũng có thể gọi là lễ khai giảng quốc gia.
 
Rộn ràng Lễ khai giảng Quốc gia - Ảnh 1
Lễ khai giảng năm học 2015-2016 tại Trường tiểu học Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Công Dũng
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi tới các Sở GD&ĐT, các trường học về tổ chức khai giảng năm học diễn ra trong ngày 5/9, theo hướng tiết kiệm, gọn nhẹ, tránh rườm rà nhất là tránh để học sinh tập luyện nhiều tiết mục văn nghệ, đứng ngoài trời để nghe hay chào đón các đoàn đại biểu... Thay vào đó, tất cả các trường trong cả nước sẽ chọn cùng một thời khắc để chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca. Phần phát biểu trong Lễ khai giảng ngắn gọn, có ý nghĩa đối với thầy, trò.
Rộn ràng Lễ khai giảng Quốc gia - Ảnh 2

Niềm vui của các học sinh lớp 1 trường tiểu học Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Trong năm học 2015-2016, các trường Tiểu học trên cả nước tiếp tục thực hiện Thông tư 30 về quy định đánh giá học sinh Tiểu học – kiểm tra, đánh giá bằng nhận xét, bỏ chấm điểm thường xuyên, tiếp tục thực hiện tích hợp dạy học tiếng Việt và các nội dung giáo dục, triển khai chương trình Thí điểm Tiếng Anh tiểu học. Học sinh Tiểu học sẽ hoàn thành nội dung học tập tại lớp, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh…
Rộn ràng Lễ khai giảng Quốc gia - Ảnh 3

Khai giảng tại trường mầm non Tuổi Hoa, Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Rộn ràng Lễ khai giảng Quốc gia - Ảnh 4

Các em học sinh mầm non chuẩn bị tiết mục văn nghệ chào mừng ngày khai giảng.
Trong khi đó, trong năm học tới, trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông của Bộ, các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh thông qua tăng cường các hoạt động thực hành vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, chú trọng giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh.
Rộn ràng Lễ khai giảng Quốc gia - Ảnh 5

Về kỳ thi THPT quốc gia, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc từ Bộ đến các địa phương, các trường đại học về công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố và sử dụng kết quả thi... để hoàn thiện các khâu của quá trình tổ chức thi. Đồng thời xem xét điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia phù hợp từ năm 2016 và những năm tiếp theo.
Rộn ràng Lễ khai giảng Quốc gia - Ảnh 6
Tại Hà Nội, sáng nay (5/9), hơn 1,7 triệu học sinh Thủ đô tập trung khai giảng trong cùng một ngày. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, Lễ khai giảng năm học mới của các trường học trên địa bàn diễn ra đồng loạt vào sáng nay (5/9). Thời gian diễn ra Lễ khai giảng chỉ trong vòng 1 tiếng từ 7h30 đến 8h30 với chủ đề “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”, nội dung tập trung việc đón học sinh đầu cấp.

 
Rộn ràng Lễ khai giảng Quốc gia - Ảnh 7

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dự Lễ khai giảng tại trường Tiểu học Nam Từ Liêm - Hà Nội.
Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng  Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã đến dự Lễ khai giảng tại Trường tiểu học Nam Từ Liêm (Hà Nội). Tại lễ khai giảng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã gửi lời chúc mừng năm học mới đến toàn thể nhà trường.
Tiết mục văn nghệ của các bé trường mầm non Thượng Cát, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Tiết mục văn nghệ của các bé trường mầm non Thượng Cát, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Bộ trưởng dặn dò các em học sinh cần ghi nhớ lời Chủ tịch nước căn dặn trong Thư gửi ngành Giáo dục nhân ngày khai giảng năm học mới, đặc biệt, cần thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, học giỏi, rèn luyện tốt. Với các thầy cô giáo, Bộ trưởng gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh "trồng người".
Rộn ràng Lễ khai giảng Quốc gia - Ảnh 8

Tiết mục văn nghệ đón trẻ của trường Mầm non Đô thị Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội.
Tại Nghệ An, cùng với học sinh cả nước, sáng nay, hơn 687.000 học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chính thức bước vào năm học mới, 2015-2016.

Chuẩn bị cho năm học mới 2015 - 2016, ngành giáo dục Nghệ An đã đã đưa vào sử dụng 652 phòng học mới (trong đó, mầm non 284 phòng, tiểu học 248 phòng, THCS 117 phòng, THPT 3 phòng), xóa dần tình trạng phòng học tạm, phòng học bán kiên cố hay tranh tre, nứa lá.
Rộn ràng Lễ khai giảng Quốc gia - Ảnh 9

Toàn cảnh khai giảng tại trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An
Tỉnh Nghệ An cũng có thêm 70 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường chuẩn quốc gia toàn tỉnh lên 905 trường, đạt tỷ lệ 59,5%, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung bộ; 100% giáo viên được đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn…

Tuy nhiên, ngành giáo dục Nghệ An cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trước thềm năm học mới. Hiện tại, quy mô trường lớp còn nhỏ lẻ (đa số các trường THCS có quy mô dưới 12 lớp, ở khu vực miền núi vùng cao, các trường THCS đa số dưới 10 lớp, các trường mầm non, tiểu học có nhiều điểm lẻ) gây lãng phí trong việc sử dụng cơ sở vật chất, bố trí nhân lực…

Cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học còn thiếu so với yêu cầu. Bên cạnh đó, giáo viên mầm non để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi còn thiếu; thiếu giáo viên tiểu học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; giáo viên THCS dôi dư nhưng vẫn thừa, thiếu cục bộ các môn, nhất là một số môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật...
Rộn ràng Lễ khai giảng Quốc gia - Ảnh 10

     
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến dự Lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Bắc Giang. Ảnh: Dân Trí
Tại Thanh Hóa, ngày 5/9, 749.009 học sinh từ mầm non đến THPT trong toàn tỉnh tựu trường, bắt đầu năm học mới 2015-2016. So với năm học trước, năm nay, quy mô học sinh có sự biến động ở các cấp học. Đối với khối mầm non có 194.846 cháu, tăng 3.541 cháu; khối tiểu học 258.291 học sinh, tăng hơn 10.000 học sinh; khối THCS 190.726 học sinh, tăng gần 7.000 học sinh; khối THPT 97.384 học sinh, giảm gần 500 học sinh.
Thầy và trò Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc. Ảnh: baothanhhoa.vn

Thầy và trò Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc. Ảnh: Báo Thanh Hóa
Để chuẩn bị cho học sinh tựu trường, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, hiệu trưởng các trường học chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, vệ sinh trường, lớp, tạo cảnh quan khu vực nhà trường sạch, đẹp, văn minh và các điều kiện phục vụ năm học mới. Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch năm học, phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy bảo đảm công bằng, hiệu quả.
Tại Đà Nẵng, năm học 2015 - 2016, toàn ngành Giáo dục thành phố có 354 trường mầm non và phổ thông, tăng 9 trường so với năm học trước. Trong đó, Tiểu học có 83.945 học sinh (tăng 3.397 học sinh so với năm học trước); THCS: 53.826 học sinh (tăng 2.309 học sinh so với năm học trước); THPT: 30.070 học sinh (tăng 462 học sinh so với năm học trước). Và trong ngày khai giảng, các trường trên địa bàn thành phố đều tổ chức gọn nhẹ, ý nghĩa, tạo không khí phấn khởi trong toàn ngành Giáo dục thành phố.
Rộn ràng Lễ khai giảng Quốc gia - Ảnh 11

Học sinh THCS Lý Tự Trọng dự lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: Báo Đà Nẵng
Tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Thọ đã đến chúc mừng và đánh trống khai trường. Năm học 2015-2016, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn có tổng số 827 học sinh, trong đó có 299 học sinh lớp 10.
Rộn ràng Lễ khai giảng Quốc gia - Ảnh 12

Quang cảnh lễ khai giảng tại trường THCS - THPT Nguyễn Bình (TX Đông Triều), tỉnh Quảng Ninh.

Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Tại Quảng Ninh, sáng 5/9, hòa chung không khí hân hoan, phấn khởi ngày tựu trường của hàng triệu giáo viên, học sinh cả nước, Trường THCS - THPT Nguyễn Bình (TX Đông Triều) long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2015-2016. Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu chúc mừng thầy và trò nhà trường.
Tại TP. Hồ Chí Minh, lễ khai giảng năm học 2015-2016 diễn ra “gọn nhẹ”. Sáng 5/9, hòa chung không khí khai giảng năm học mới trên cả nước, tại TP. Hồ Chí Minh tất cả trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2015-2016.
Rộn ràng Lễ khai giảng Quốc gia - Ảnh 13
Tại trường ttiểu học Nguyễn Khuyến (quận 12, TP HCM) các em học sinh lớp 1 được các anh chị lớp 5 dẫn vào vị trí khai giảng năm học mới. Ảnh: Huy Chương
Theo ghi nhận của phóng viên, sáng nay tại TP. Hồ Chí Minh trời nắng gắt, các trường đều tổ chức lễ khai giảng tại sân trường. Từ sáng sớm trên mọi ngã đường học sinh đều mặc những bộ đồng phục mới tập trung đúng giờ quy định để làm lễ khai giảng.
Đúng 7h30, lễ khai giảng bắt đầu với nghi thức chào cờ, hát Quốc ca và đọc thư của Chủ tịch nước và phần phát biểu của thầy, cô hiệu trưởng và các đại biểu diễn ra ngắn gọn chỉ trong 1 giờ đồng hồ.

Để lễ khai giảng trở thành dấu ấn đẹp cho học sinh mới vào trường, các trường đã tổ chức lễ chào đón những học sinh mới vào trường như lóp 1, lớp 6 và lớp 10 rất long trọng. Sau buổi lễ, các nhà trường tại TP. Hồ Chí Minh đều tổ chức phần hội cho học sinh gồm những trò chơi dân gian và biểu diễn văn nghệ.
Rộn ràng Lễ khai giảng Quốc gia - Ảnh 14
Năm nay, toàn TP có khoảng trên 1,54 triệu học sinh, tăng gần 85.000 em so với năm trước, trong đó bậc mầm non tăng nhiều nhất với hơn 26.000, tiểu học hơn 25.000. Đặc biệt, những quận vùng ven có số học sinh tăng đột biến như Bình Tân tăng 12.600, Bình Chánh tăng hơn 11.000, quận 12 hơn 8.300.

Nhìn chung lễ khai giảng năm học 2015-2016 tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra gọn nhẹ, thiết thực. Hầu hết các tuyến phố không gây ra tình trạng kẹt xe và những sự cố đáng tiếc.
Mặc dù dự báo năm học 2015 - 2016, số học sinh tăng nhiều song toàn ngành GD&ĐT TP Hồ Chí Minh vẫn đảm bảo huy động 100% trẻ trong độ tuổi đi học ra lớp, đảm bảo duy trì công tác phổ cập giáo dục. Sở GD-ĐT TPHCM xác định chủ đề năm học mới là “Tập trung xây dựng và nhân rộng trường học tiên tiến, hiện đại; gắn giáo dục tri thức, đạo đức với giáo dục truyền thống văn hóa, đào tạo nghề nghiệp, giáo dục thể chất; rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống và tay nghề”.

 
Rộn ràng Lễ khai giảng Quốc gia - Ảnh 15

Lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Tại Hà Tĩnh, sáng nay, 5/9, gần 298.000 học sinh và hơn 24.000 cán bộ, giáo viên thuộc 722 trường từ bậc mầm non đến THPT trên địa bàn Hà Tĩnh chính thức khai giảng năm học mới 2015-2016.
Trong năm học này, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và là năm học đầu tiên triển khai nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục ở các bậc học; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Đặc biệt là nhân rộng mô hình trường học mới VNEN, thực hiện việc đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT…
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số học sinh, sinh viên cả nước hiện nay khoảng 22,21 triệu. Trong đó có 4,42 triệu trẻ em mầm non; 15,08 triệu học sinh phổ thông; 350.000 học sinh trung cấp chuyên nghiệp và 2,36  triệu sinh viên đại học, cao đẳng.
Tổng số giáo viên, giảng viên cả nước là 1,24 triệu. Trong đó có 277.684 giáo viên mầm non, 856.730 giáo viên phổ thông, 10.911 giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 91.183 giảng viên đại học, cao đẳng và khoảng 300.000 cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục các cấp học, bậc học được phân bố rộng trên phạm vi cả nước. Tổng số trường học từ mầm non đến đại học là 43.874 trường. Trong đó có 14.203 trường mầm non, 15.277 trường tiểu học, 10.878 trường trung học cơ sở, phổ thông cơ sở, 2.767 trường trung học phổ thông, 313 trường trung cấp chuyên nghiệp, 217 trường cao đẳng, 219 trường đại học.
Số trường phổ thông dân tộc nội trú là 308 trường với 88.247 học sinh. Có 876 trường phổ thông dân tộc bán trú với 140.849 học sinh. Đến năm học 2014-2015, cả nước có 16.276 trường đạt chuẩn quốc gia.
Bên cạnh đó còn có 726 trung tâm giáo dục thường xuyên (71 cấp tỉnh, 655 cấp huyện), 10.992 trung tâm học tập cộng đồng (đạt tỷ lệ 98,75% số xã phường) và 1.752 trung tâm ngoại ngữ, tin học. 
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2015-2016, Bộ sẽ bổ sung, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Công tác phân luồng, hướng nghiệp sau trung học cơ sở, trung học phổ thông và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo sẽ được đẩy mạnh.