Theo cơ quan chức năng Hàn Quốc, nhóm đối tượng này thường đăng nhập vào các diễn đàn, trang mạng xã hội có nhiều người Việt Nam truy cập để quảng cáo về khả năng xin visa nhập cảnh Hàn Quốc, gia hạn cho những người sắp hết hạn visa... nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Bằng thủ đoạn này, từ tháng 6/2013 đến tháng 11/2014, chúng đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 150 triệu won của 37 người Việt đang cư trú tại Hàn Quốc và Việt Nam.
Tình trạng hơn 17.000 lao động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó phần lớn là lao động hết hạn hợp đồng nhưng trốn ở lại lao động bất hợp pháp không chỉ tạo điều kiện để các đối tượng lừa đảo lợi dụng mà lao động chui còn bị phạt 100 triệu đồng khi bị phát hiện, không được nhận khoản tiền trợ cấp thôi việc do phía Hàn Quốc chi trả cũng như tự tước đi cơ hội quay trở lại làm việc. Không những tạo ra rủi ro cho bản thân, các đối tượng này còn lấy mất cơ hội sang Hàn Quốc làm việc của hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lao động khác trong nước. Giữa năm ngoái, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc từng phát đi cảnh báo sẽ đơn phương chấm dứt thỏa thuận cử lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS do tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại nước này cao gấp 2 lần tỷ lệ trung bình của 15 quốc gia tham gia chương trình EPS.
Để các vụ việc lừa đảo tương tự không tái diễn, các lao động Việt Nam cần tuân thủ đúng luật pháp của nước sở tại vì cơ hội trở lại Hàn Quốc làm việc luôn rộng mở với các lao động chăm chỉ, tuân thủ đúng hợp đồng. Cơ quan chức năng Hàn Quốc và các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Hàn Quốc cũng khuyến cáo mọi người cần nâng cao cảnh giác để không trở thành nạn nhân của các đối tượng này.
Nhiều lao động dù đã ký cam kết khi hết hạn sẽ quay về nước nhưng không làm theo cam kết và biến thành lao động chui ở đất khách quê người. Trong ảnh, một tốp công nhân người Việt vui mừng khi đặt chân đến Hàn Quốc.
|