Để phục vụ đại hội cổ đông của Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) năm 2023, công ty này vừa có báo cáo tài chính năm 2022.
Theo báo cáo, mức doanh thu năm 2022 của công ty này dưới thời của ông Trần Huy - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Minh Trí - Tổng Giám đốc thay thế cho bà Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng Giám đốc Sadeco đã bị truy tố) chỉ xấp xỉ 101 tỷ đồng, chỉ đạt 69,09% so với kế hoạch dự kiến là 146,1 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn ghi nhận đến 31/12/2022 của Sadeco khoảng 1.426,7 tỷ đồng, giảm 47 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2022. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tới 1.274,7 tỷ đồng, tài sản dài hạn chỉ chiếm 151,9 tỷ đồng. Hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn chiếm phần lớn trong danh mục tài sản ngắn hạn của công ty. Tính đến cuối năm 2022, hàng tồn kho của Sadeco lên tới 643 tỷ đồng, trong khi các khoản phải thu ngắn hạn là 417,7 tỷ đồng; nợ phải trả của công ty này lên tới 535 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 137,3 tỷ đồng.
Bảng cân đối kế toán của Sadeco cũng cho thấy, tiền và các khoản tương đương tiền tại công ty chỉ chiếm xấp xỉ 22,2 tỷ đồng, giảm 64 tỷ so với đầu năm 2022. Trong khi đó, các khoản nợ ngắn hạn lên tới 137,3 tỷ đồng, cho thấy tiền mặt trong hệ thống không đủ để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Theo tính toán, tỷ lệ thanh toán tiền mặt của Sadeco hiện chỉ ở mức 0,16% và điều này rất nguy hiểm nếu như kéo dài và diễn ra thường xuyên.
Được biết, trong năm 2022 các khoản thu của Sadeco chủ yếu đến từ việc bán hàng từ Dự án khu dân cư – tái định cư Long Hậu và cung cấp dịch vụ lưu trú tại khu lưu trú công nhân trong Khu chế xuất Tân Thuận và cho thuê căn nhà tại 29/1 Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nhiều dự án khác của Sadeco hiện còn dang dở và gặp không ít khó khăn. Trong đó, dự án khu tái định cư Phước Kiển giai đoạn 1 và 2 hiện cũng đang xây dựng phương án bồi thường. Dự án khu dân cư Sadeco Phước Kiển cũng trong giai đoạn lập phương án kinh tế kỹ thuật để làm tiền đề triển khai giai đoạn 1 với quy mô 7,2 ha trong thời gian tới.
Sadeco là công ty con của Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận – IPC, được thành lập tháng 6/1994, có trụ sở ở huyện Bình Chánh, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, dân dụng, cơ sở hạ tầng, tư vấn lập dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch...
Năm 2015, Sadeco có vốn điều lệ khoảng 170 tỷ đồng, trong đó riêng IPC có tỷ lệ vốn góp gần 75%. Vào tháng 3/2015, IPC bán đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phiếu Sadeco cho Công ty Exim với giá 26.100 đồng/cổ phiếu, làm giảm tỷ lệ vốn góp của IPC tại Sadeco từ 75% xuống 44%.
Đến tháng 9/2016, Exim bán lại cổ phiếu cho Công ty CP đầu tư và phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) với giá 57.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ sau đó vài tháng, Nguyễn Kim đề xuất mua thêm cổ phần để trở thành cổ đông. Vào tháng 6/2017, khi chưa trình UBND thành phố chủ trương tăng vốn góp, Sadeco đã phát hành 9 triệu cổ phiếu và bán cho Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phiếu. Với hành vi bán chỉ định cổ phiếu trên đã giúp Nguyễn Kim thâu tóm Sadeco khi chiếm 54% cổ phần, IPC chỉ còn 28,8%.
Sau khi vụ mua bán cổ phần nói trên bị phát hiện, Sadeco hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nguyễn Kim đã thanh toán, ước tính khoảng 360 tỷ đồng, và lãi tiền gửi ngân hàng phát sinh nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện vì còn vướng các thủ tục pháp lý và chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Báo cáo kiểm toán độc lập của Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam cho thấy, lý do Sadeco chưa thể hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết liên quan đến giao dịch giảm vốn điều lệ và hoàn trả tiền vốn góp cho Công ty Nguyễn Kim là do chưa nhận được hướng dẫn từ các cơ quan chức năng.
Với những sai phạm trong việc phát hành 9 triệu cổ phần của Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần, gây thiệt hại 1.103 tỉ đồng cho Sadeco, trong đó thất thoát tài sản Nhà nước gần 700 tỉ đồng. Ông Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh) đã phải nhận thêm một bản án 10 năm tù.