Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sài Sơn phát huy truyền thống cách mạng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây (cũ), Sài Sơn ngày nay đang nỗ lực xây dựng quê hương, phát triển kinh tế - xã hội để về đích nông thôn mới (NTM) trong năm 2015.

Quê hương cách mạng

Sài Sơn, một vùng quê xứ Đoài, nơi có thắng cảnh chùa Thầy được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây cũng là nơi sinh ra nhiều bậc hiền tài cho đất nước và vinh dự được đón Bác Hồ về ở và làm việc thời kỳ kháng chiến.
Khu di tích chùa Thầy, xã Sài Sơn. 	Ảnh: Công Hùng
Khu di tích chùa Thầy, xã Sài Sơn. Ảnh: Công Hùng
Ông Nguyễn Đình Quý - cán bộ văn hóa xã Sài Sơn, một người thuộc làu từng trang sử của quê hương tự hào cho biết, Sài Sơn chính là nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây (cũ). Vào những năm 1930, khi chưa có xóm làng nào trong tổng Luật Sài (Sài Sơn ngày nay) có cơ sở cách mạng, thì không ít người dân vùng núi Thầy đã sớm được giác ngộ chủ nghĩa cộng sản.

Từ một vài chiến sĩ cách mạng ở Lào về bắt rễ vào quần chúng, phong trào cách mạng lan rộng và Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây (cũ) đã ra đời tại đây. Chi bộ Đảng ra đời đánh dấu một bước ngoặt lịch sử quan trọng không chỉ với vùng núi Thầy mà còn có ý nghĩa rộng hơn đối với toàn tỉnh. Đó là nhân tố hàng đầu bảo đảm mọi thắng lợi của phong trào cách mạng tại địa phương.

Cuối năm 1944, đầu 1945, Sài Sơn đã trở thành một bộ phận của An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ, góp phần quan trọng trong giành chính quyền Phủ Quốc Oai, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh Sơn Tây trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Nhân dân Sài Sơn tự hào về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm ngay từ những buổi đầu thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc. Truyền thống đó tiếp tục được bồi đắp trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nơi đây từng là nơi đùm bọc, nuôi giấu nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng, là hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến. Đã có hàng ngàn người con của Sài Sơn lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.

Từ những kết quả đã đạt được trên các lĩnh vực, Đảng bộ và Nhân dân Sài Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Chống Mỹ cứu nước, hơn 400 huân, huy chương các loại cho cán bộ, Nhân dân đã có thành tích tham gia chống Mỹ cứu nước ở cơ sở. Cả xã hiện có 30 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 12 vị lão thành cách mạng. Trong thời bình, truyền thống đó một lần nữa được phát huy trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sài Sơn đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng NTM đạt được những thành tích khá toàn diện trên các lĩnh vực, từng bước xóa đói nghèo, lạc hậu.

Phấn đấu về đích nông thôn mới đúng hẹn

Ông Nguyễn Đình Thụy - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sài Sơn cho biết, trong xây dựng NTM, Sài Sơn đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, yêu nước của địa phương, tin vào dân, đề cao vai trò của từng hộ gia đình, của cộng đồng, chủ động thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách. Nhờ đó được Nhân dân đồng tình ủng hộ và tham gia tích cực, huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Tính đến thời điểm này, Sài Sơn đã hoàn thành được 16/19 tiêu chí NTM, đạt 84,2% và có đủ điều kiện phấn đấu xã đạt chuẩn NTM trong năm 2015. Bộ mặt nông thôn hoàn toàn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao, cả 6/6 làng được công nhận làng văn hóa. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,1 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3,5%...

Có được những thành quả trên là do sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của toàn dân. Sài Sơn biết tận dụng, phát huy truyền thống yêu nước trong phong trào xây dựng NTM. Người dân trong xã sẵn sàng hiến đất để xây dựng đường giao thông, đóng góp hàng ngàn ngày công lao động. Toàn xã đã huy động được gần 13 tỷ đồng cho phong trào xây dựng NTM.

Có những hộ tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng như gia đình ông Tạ Quang Hải (thôn Phúc Đức) và gia đình bà Mai Liên (thôn Khánh Tân) đã đóng góp 700 triệu đồng. Phát huy truyền thống và những thành quả đã đạt được, Đảng bộ và Nhân dân Sài Sơn đoàn kết một lòng, vững bước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xây dựng Đảng bộ ngày càng vững mạnh, tự tin về đích NTM đúng hẹn.