Đây là hệ lụy nhãn tiền từ việc cho lưu thông chung xe máy, ô tô với vận tốc cao (80 - 100km/giờ) trên một tuyến đường chưa đạt chuẩn cao tốc. Tuyến cao tốc nguy hiểm nhất Việt Nam Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, mật độ phương tiện đi lại trên tuyến cao tốc BOT Hà Nội - Bắc Giang rất lớn. Xe tải to, xe khách, ô tô cá nhân, xe máy… đan xen trên đường, chạy với tốc độ cao, tạo cảm giác cực kỳ nguy hiểm, nhất là khi lấn làn, vượt nhau. Mặc dù chưa đủ tiêu chuẩn để cho lưu thông với vận tốc từ 80 - 100km/giờ nhưng tuyến đường vẫn được đưa vào sử dụng và cho thu phí. Lý giải về điều này, Trạm phó Trạm thu phí BOT Hà Nội - Bắc Giang Ngô Trí Hồng cho biết: “Đó là quyết định của Bộ GTVT”. Để đối phó tạm thời, chủ đầu tư đã phân luồng cho xe máy đi vào làn dừng khẩn cấp, hoặc có đoạn kẻ thêm một làn đường nhỏ phía trong, chỉ rộng khoảng hơn 1m dành cho loại phương tiện này. Tại Trạm thu phí Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), chủ đầu tư còn phải “cắt xén” một rãnh nhỏ từ làn dành cho xe quá khổ, quá tải để xe máy đi qua. Trước thực trạng đó, dễ hiểu vì sao tai nạn giao thông trên tuyến gia tăng đột biến. Báo cáo của Phòng CSGT, Công an tỉnh Bắc Ninh cho thấy, tháng 6 vừa qua, trên tuyến QL1 đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã xảy ra 14 vụ TNGT làm chết 3 người, bị thương 13 người. So với tháng 5, tăng 8 vụ (133,3%), tăng 1 người chết (50%), tăng 9 người bị thương (125%).
Không chỉ người dân hay chính quyền địa phương nơi có tuyến đường này đi qua mà chính ông Ngô Trí Hồng thừa nhận: “Tuyến đường này thực ra là cao tốc có châm chước, chỉ cải tạo nâng cấp mặt đường lên rồi cho lưu thông theo chuẩn cao tốc”, và cho biết rằng, việc cho xe máy đi chung với ô tô trên tuyến đường ở tốc độ cao từ 80 - 100km/giờ là rất bất cập và nguy hiểm như “trứng để đầu gậy” đối với người điều khiển xe máy. Thế nhưng “ngay từ thiết kế ban đầu, tuyến đường này đã không có hạng mục đường gom dành cho xe máy” - ông Hồng cho biết. Cao tốc không có đường gom Cao tốc BOT Hà Nội - Bắc Giang vốn được nâng cấp từ nền đường cũ của QL1, không mở rộng thêm, cốt đường còn khá tốt. Chủ đầu tư chỉ việc thảm lại mặt đường, bổ sung thêm đèn chiếu sáng, rào hộ lan, sơn kẻ vạch… và thu phí bất chấp việc thiếu đường gom, tổ chức giao thông không hợp lý và nguy hiểm rình rập người cùng phương tiện qua lại. Đã rất nhiều lần, chính quyền tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Bộ GTVT và chủ đầu tư đẩy nhanh việc xây dựng đường gom cho xe máy, hoàn thiện các hạng mục đảm bảo ATGT trên tuyến nhưng chưa được đáp ứng. Theo Sở GTVT Bắc Ninh, hiện trên cung đường qua tỉnh này còn một số hạng mục chủ đầu tư vẫn “nợ lại”, chưa thi công. Cụ thể như: đoạn đường gom bên phải tuyến từ nút giao QL31 - Khu đô thị Nam Dĩnh Kế, dài 1,6km; nút giao Hùng Vương - đường Thanh Niên, độ chênh cao còn quá lớn; các nút giao với QL 17, 37 chưa thi công… Tình trạng này đang gây khó khăn cho việc lưu thông của người dân và DN địa phương. Riêng về tiến độ xây dựng đường gom dành cho xe máy, ông Ngô Trí Hồng cho rằng còn phải chờ tỉnh Bắc Ninh giải phóng và bàn giao mặt bằng để thi công: “Nếu mọi việc thuận lợi thì cuối năm 2016 sẽ khởi công, và dự kiến tháng 6/2017 sẽ hoàn thiện”. Tuy nhiên, Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh Lê Ngọc Tuyển lại cho rằng, địa phương chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào của nhà đầu tư về phương án xây dựng đường gom. “Nhà đầu tư đang đùn đẩy trách nhiệm sang chính quyền địa phương” - ông Tuyển nhấn mạnh. Chưa hoàn thiện hàng loạt hạng mục, thiếu đường gom, tiềm ẩn nguy cơ cao mất ATGT vẫn được công nhận là cao tốc, vẫn được thu phí; dễ hiểu vì sao BOT Hà Nội - Bắc Giang được coi như “món hời” với chủ đầu tư nhưng là “nỗi khổ” chưa biết ngày kết thúc của người tham gia giao thông.
Trạm thu phí Phù Chẩn, cao tốc BOT Hà Nội - Bắc Giang chỉ có 8 cổng 2 chiều, dễ gây ùn tắc vào những ngày cao điểm. Ảnh: Công Trình |