Phần lớn giao dịch “cọc thiện chí”
Anh Trần Tuấn Anh – nhân viên sale của Sàn giao dịch BĐS Vinhomes tại Hà Nội cho biết, nhóm của anh (4 người) mỗi tháng bình thường chốt giao dịch được tầm 5 - 6 căn, dự án hot có thể lên tới chục căn. Thế nhưng từ khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, giao dịch trồi sụt và ảm đạm, cao nhất nhóm chỉ chốt được 2 căn/tháng, thậm chí đặt cọc rồi vẫn "bay" cọc như thường.
“Do dịch bệnh nên việc tư vấn trực tiếp với khách hàng hạn chế tối đa, chủ yếu qua online. Đây cũng là hạn chế nhất định, nhất là đối với phân khúc đất nền, biệt thự. Bởi khách hàng ở phân khúc này yêu cầu phải đi xem sản phẩm thực tế. Song do VinGroup là chủ đầu tư uy tín nên giữ được sự tin tưởng trong khách hàng, phân khúc căn hộ vẫn được khách chốt qua online. Tuy nhiên, khách chốt thời gian này đa phần là người có nhu cầu nhà ở thực”- anh Tuấn Anh chia sẻ.
Cũng theo anh Tuấn Anh, một nhóm đồng nghiệp thân thiết ở sàn giao dịch khác, trong tháng 3 vừa qua, không chốt được căn nào, hầu hết là khách đặt "cọc thiện chí”. Theo lý giải của anh, “cọc thiện chí” thường diễn ra với dự án chuẩn bị mở bán hoặc tăng giá. Với cọc này, khách có thể thay đổi căn hộ đã đặt hoặc có thể rút lại tiền cọc. “Dù khó khăn nhưng đối với sale BĐS chuyên nghiệp như chúng tôi vẫn kiên trì bám nghề. Một số người có thể chuyển từ sale căn hộ sang đất nền hoặc có người kiêm thêm tư vấn bảo hiểm để có thu nhập, chứ không mấy ai bỏ nghề hay chuyển nghề” – anh Tuấn Anh cho biết.
Đồng quan điểm này, đại diện Tập đoàn Novaland cho rằng, hiện nay đội ngũ sale BĐS hoạt động cầm chừng chứ không phải chết như đồn đại. Tuy nhiên, phần vì phải làm việc chủ yếu qua online, phần vì các DN giai đoạn này lùi thời gian bung hàng nên các sàn không có hàng bán hoặc giỏ hàng không nhiều. “Hiện tập đoàn có 7 - 8 đại lý đang đăng ký tham gia phân phối bán hàng cho Novaland, trong có Weland đăng ký làm Tổng đại lý cho dự án NovaWorld Ho Tram. Mặc dù vậy, số lượng chốt giao dịch trong thời gian qua là rất ít” – vị đại diện Tập đoàn này cho hay.
Những con số biết nói
Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, lượng cung, giao dịch BĐS quý I/2020 tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Đối với các dự án nhà ở, tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm nhưng giao dịch chỉ đạt 7.641 sản phẩm. Trong đó, tại Hà Nội, có 8.963 căn hộ được chào bán, giao dịch đạt 1.307 sản phẩm; tại TP Hồ Chí Minh có 8.421 căn hộ được chào bán, giao dịch là 1.409 sản phẩm.
Đáng chú ý, trong tổng số khoảng 1.000 sàn hoạt động trong lĩnh vực môi giới, hiện có tới 1/3 số sàn giao dịch BĐS, tức hơn 300 sàn phải đóng cửa. Ngoài ra, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Một số sàn vẫn còn hoạt động do vẫn còn hàng để bán khi có hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư từ trước.
Trao đổi về thực trạng này với báo giới, ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Đông (TP Hồ Chí Minh) nhận định, con số thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam là chính xác. “Nếu như trước đây, nhân viên kinh doanh chỉ cần tiếp cận 2 - 3 khách hàng có thể có người mua, còn nay tiếp cận 10 khách hàng cũng chẳng bán được vì ai cũng thủ tiền mặt trước diễn biến của dịch Covid-19 vẫn phức tạp. Ngay Tập đoàn Phú Đông dự kiến tháng 3 vừa qua mở bán căn hộ nhưng do dịch phải dời kế hoạch lại, chờ thị trường tươi tỉnh hơn sẽ công bố” - ông Phúc cho hay.
Về vấn đề này, một số chuyên gia BĐS cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh lần này không tạo ra mối nguy hiểm quá lớn cho thị trường BĐS... Thậm chí, nếu nhìn ở góc độ tích cực, nhiều người sẽ mua được nhà nhờ giá bán có thể được điều chỉnh giảm. Song thực tế hiện nay, theo Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính, mặc dù thị trường vô cùng trầm lắng song giá bán BĐS không hề có sự sụt giảm so với quý IV/2019 và chưa có bất cứ DN nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.