Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sân khấu hè dành cho thiếu nhi 2019: Trăn trở tìm món quà hấp dẫn

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6, sân khấu Thủ đô Hà Nội đồng loạt giới thiệu nhiều chương trình mới dành cho khán giả nhí.

Tuy nhiên, giữa hàng loạt chương trình phong phú, đa dạng dành cho thiếu nhi, việc tìm ra một “món quà” hấp dẫn khán giá nhí vẫn là điều trăn trở của nhiều người làm nghệ thuật.
"Đến hẹn lại lên"
Ngày 20/5, Liên đoàn Xiếc Việt Nam giới thiệu đến công chúng Thủ đô chương trình xiếc mới “Cuộc phiêu lưu của chú Tễu”. Chương trình có sự tham gia của gần 60 nghệ sĩ và nhiều diễn viên kể về giấc mơ của chú Tễu khám phá thế giới. Thông qua chuyến phiêu lưu ấy, Liên đoàn Xiếc Việt Nam gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường tới khán giả và các em nhỏ. Đặc biệt, trong vở diễn này, chú Tễu, chị Hằng có những người bạn đồng hành như “Trâu thần hiền từ”, “nàng tiên cá”… Những con thú cưng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ được ra mắt công chúng Thủ đô và các em thiếu nhi sau hơn 2 năm được chăm sóc, huấn luyện bài bản, tỉ mỉ.
Tiết mục xiếc trong Cuộc thi tài năng diễn viên xiếc năm 2018. Ảnh: Lại Tấn
Nhân dịp 1/6, Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt nhiều chương trình nghệ thuật như: “Con chim xanh”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, “Giấc mơ của nàng tiên cá”. Trong đó, vở diễn “Sơn Tinh - Thủy Tinh” vẫn dựa trên câu chuyện cùng tên nhưng được sân khấu hóa với một không gian nghệ thuật rực rỡ sắc màu và âm nhạc sôi động, cộng cùng nhiều tình tiết trong cốt truyện gốc được làm mới để câu chuyện trở nên hấp dẫn và thu hút, kích thích trí tưởng tượng của trẻ nhỏ.
Theo Trưởng Đoàn diễn viên I - Nhà hát Múa rối Thăng Long Đức Hùng: “Trong dịp 1/6, vở hài kịch “Bạch tuyết, Hoàng hậu và bảy chú lùn” lần đầu tiên sẽ xuất hiện trên sân khấu rối sẽ được xây dựng bởi những tình tiết hoàn toàn mới, cũng với những hình tượng quen thuộc đã gắn liền tuổi thơ. Cách xử lý đầy sáng tạo độc đáo, tính giáo dục nhẹ nhàng và nhân văn sâu sắc, các em sẽ tận mắt chứng kiến một Bạch Tuyết xinh đẹp nhân từ, đã cảm hóa Hoàng hậu độc ác thành người lương thiện.
Loay hoay tìm nét mới
Những năm gần đây, trước bối cảnh nhiều loại động vật hoang dã (voi, gấu, hươu cao cổ) bị cấm sử dụng trong biểu diễn xiếc, Liên đoàn Xiếc Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm những “diễn viên” thay thế, vốn đã thân thuộc và được nhiều em nhỏ yêu quý.
Theo Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Tạ Duy Ánh: “Những vật nuôi mới được đưa lên sân khấu như mèo (thường thấy rất nhút nhát), lợn (kém thông minh) hay trâu (thường chỉ làm việc giúp đỡ nhà nông) đều không dễ dàng huấn luyện, đưa ra biểu diễn”.
“Khán giả nhí thường tò mò, thích thú khi được tận mắt chứng kiến những loài động vật mà các em ít được thấy ở ngoài đời sống như voi, gấu, hươu. Những loại động vật khác như trâu, chó, mèo là vật nuôi trong gia đình nên kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng huấn luyện những bạn diễn mới để có tiết mục đem lại niềm vui, tiếng cười cho các em” - một diễn viên xiếc thú chia sẻ.
Mặc khác, đối với các chương trình nghệ thuật sân khấu, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh cho biết: “Các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi ở nước ta hiện nay đang chạy theo nhu cầu thị hiếu của khán giả nhí nhằm mục đích kinh doanh, kiếm lời. Cứ đến dịp 1/6 hay Tết Trung Thu các nhà hát đua nhau làm chương trình biểu diễn cho thiếu nhi, rất phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức... đấy là cái được. Nhưng cái chưa được là đang thiếu sự định hướng và đầu tư một cách nghiêm túc từ phía Nhà nước, đặc biệt là đối với các đơn vị nghệ thuật T.Ư nên nhiều chương trình chất lượng nghệ thuật chưa cao, nội dung nghèo nàn, đôi khi nhảm nhí, phản cảm làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và nhận thức của trẻ nhỏ”.
Bên cạnh tình trạng đang loay hoay tìm sự hoàn thiện thì vẫn còn có một nghịch lý là kịch bản. Mảng đề tài kịch bản dành cho thiếu nhi vẫn đang trong tình trạng “yếu và thiếu”. Ngay như nhà văn Nguyễn Hiếu, người chuyển thể kịch bản vở diễn “Tấm Cám”, cũng phải thừa nhận: “Sân khấu thiếu nhi đang khủng hoảng vì hầu như các đơn vị sân khấu không coi trọng khán giả nhỏ tuổi. Từ thực trạng đáng buồn đó nên lực lượng tác giả viết kịch bản cho thiếu nhi teo tóp dần, kịch bản dành cho các cháu cũng ngày càng hiếm hoi”.