Vẫn quanh quẩn “ao làng”
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, các nhóm sản phẩm có khả năng xuất khẩu gồm sơn mài, khảm trai; sản phẩm mây tre đan; sản phẩm điêu khắc; thêu, ren; nhóm sản phẩm dệt may; gốm sứ. Tuy nhiên, chỉ một số ít sản phẩm thủ công nổi tiếng tìm được thị trường xuất khẩu, còn lại hầu hết vẫn tiêu thụ trong nước, chịu sự cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu giá rẻ.
Kiểu dáng, chất lượng, giá cả sản phẩm… luôn là những yếu tố tác động trực tiếp đến xuất khẩu. Tuy nhiên, do hạn chế về công nghệ và trình độ nhân lực nên DN vẫn đang bị động trong tìm kiếm, sáng tạo, thiết kế mẫu mã sản phẩm. Do đó, có thời điểm DN có đơn hàng nhưng phải bỏ vì không đáp ứng được. Ông Nguyễn Anh Hiếu - đại diện Công ty Mây tre đan xuất khẩu Chúc Sơn (Chương Mỹ) |
Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Lương Đức cho biết: Sản phẩm giày da của làng nghề chủ yếu tiêu thụ theo kiểu truyền thống, thông qua các đại lý phân phối nên hiệu quả chưa cao. “Để xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài đòi hỏi các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe, trong khi đó, đa số các sơ sở sản xuất tại địa phương vẫn làm ăn mang tính nhỏ lẻ, sản xuất “hàng cỏ” nhiều. Mẫu mã sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào đối tác đặt hàng... Đây là nguyên nhân khiến cho làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm như da giày Phú Yên mà sản phẩm vẫn quanh quẩn “ao làng”” – ông Đức trăn trở.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Vương Đăng Hoa thừa nhận, ngành TCMN phục vụ xuất khẩu của Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo được sức cạnh tranh so với một số nước trong khu vực. Các sản phẩm TCMN xuất khẩu trực tiếp còn gặp nhiều khó khăn do chất lượng chưa cao, mẫu mã chưa phong phú. Hầu hết sản phẩm chưa gây dựng được thương hiệu riêng nên chủ yếu phải xuất khẩu qua ủy thác, làm giảm lợi nhuận của các DN.
Công nghệ là chìa khóa
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho biết: Thời gian qua, việc đẩy nhanh quá trình hội nhập cũng như nhiều nỗ lực trong xúc tiến thương mại của Việt Nam đã mở ra triển vọng rất khả quan trong xuất khẩu các mặt hàng TCMN. Tiềm năng thị trường thế giới về hàng TCMN còn rất lớn. Thực tế, thị trường xuất khẩu các mặt hàng TCMN của nước ta đã mở rộng ra trên 100 nước. Các mặt hàng xuất khẩu đang thiên về sản xuất các mặt hàng giá rẻ với số lượng lớn, cung cấp chủ yếu cho một số nhà bán lẻ lớn như Thụy Điển, Mỹ, Nhật Bản… Nhưng trong thời gian tới, mặt hàng này sẽ tiếp tục chịu sức cạnh tranh rất lớn từ các nước trong khu vực. Hơn nữa, kỳ vọng của người tiêu dùng ngày càng muốn sử dụng các sản phẩm chất lượng cao, có tính thẩm mỹ, song giá thành lại rẻ… cũng tạo nên sức ép để đào thải một số mặt hàng không có tính cạnh tranh thực sự.
Do đó, để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, yêu cầu bắt buộc các cơ sở sản xuất kinh doanh phải đổi mới trang thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. “Ứng dụng khoa học kỹ thuật là chìa khóa giải quyết các vấn đề về năng suất lao động, chất lượng và giá thành, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm” – ông Dần khẳng định.
Đi cùng với đó, cần tiếp tục cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng cho các làng nghề. Bởi sự yếu kém của cơ sở hạ tầng làm hạn chế khả năng mở rộng thị trường cũng như sự phát triển sản xuất, làm giảm động lực đổi mới công nghệ của các cơ sở sản xuất. Việc cải tạo và xây dựng tốt cơ sở hạ tầng là một trong những biện pháp tạo thuận lợi cho sự đổi mới công nghệ của các làng nghề TCMN.