Sản phẩm Rồng chào đón năm mới của những người thợ rất đặc biệt

Minh An - Duy Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi–Xưởng may KymViet (Nam Từ Liêm, Hà Nội) không một tiếng người, chỉ có âm thanh của tiếng máy khâu và những đôi tay thoăn thoắt đang làm việc. Thế nhưng, chính từ phân xưởng được vận hành bởi những người khuyết tật này, những chú rồng nhồi bông được tạo nên để chào đón năm mới Giáp Thìn.

Sản phẩm thay lời nói

Nằm trên phố Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) không gian KymViet là một không gian đầy sắc màu. Tầng 1, phía ngoài là gian trưng bày các sản phẩm của công ty, với những chú mèo, trâu, rồng ngộ nghĩnh bằng chất liệu vải đầy màu sắc, với đường may tinh xảo và đủ kích cỡ. Phía trong ở tầng 1 là xưởng may chính, tất cả các nhân viên đều đang lúi húi làm việc. Bên trong xưởng máy đều lặng thinh, không một tiếng người chỉ nghe thấy tiếng cót két của những chiếc máy khâu.

Xưởng may KymViet nằm trên phố Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Xưởng may KymViet nằm trên phố Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Trong xưởng sản xuất có 30 công nhân, nếu chỉ nhìn cách họ làm việc thì không ai biết đây là những người khuyết tật hay có vấn đề về sức khỏe. Đôi tay họ thoăn thoắt trên từng chi tiết để ráp lại thành những sản phẩm hoàn hảo và độc đáo. Mọi giao tiếp công việc trong xưởng đều diễn ra bằng thủ ngữ, những kí hiệu dành riêng cho cộng đồng người câm, điếc.

Có một điều đặc biệt là những người khuyết tật làm việc ở đây không thích mọi người dùng từ “khiếm thính”. Họ nói rằng, phải luôn yêu bản thân mình, yêu những khiếm khuyết của chính mình và luôn cố gắng để lan tỏa những giá trị lao động tốt đẹp nhất, dù cho mình có kém may mắn hơn nhiều người khác đi chăng nữa.

Công nhân làm việc trong xương sản xuất.
Công nhân làm việc trong xương sản xuất.

Anh Phạm Việt Hoài, một trong những nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty KymViet, một người có đôi mắt sáng, nụ cười duyên và là người khuyết tật có nghị lực sống mãnh liệt. Dù đôi chân không khỏe mạnh, vóc dáng không hoàn hảo nhưng anh Hoài là người luôn đầy năng lượng sống. “Cuối năm 2013, tôi cùng hai người bạn cùng sáng lập công ty với mong muốn tạo việc làm cho người khuyết tật còn khả năng lao động, thông qua đó giúp họ cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống” – anh Phạm Việt Hoài chia sẻ.

“Kym” trong từ “kim khâu”, “Việt” trong tên Tổ quốc – Việt Nam, KymViet là một cái tên mang trong mình những khát khao bình dị, không mang nhiều tầng ý nghĩa hoa mỹ, chỉ đơn giản là ước vọng đem niềm tự hào về sản phẩm thủ công Việt từ một cộng đồng nhỏ vươn ra thế giới.

Theo thông lệ, cứ tới dịp gần Tết cổ truyền, những thợ may lấy “sản phẩm thay lời nói” tại KymViet sẽ cho xuất xưởng sản phẩm tượng trưng là linh vật của năm mới. Năm nay, sản phẩm chính là những chú thú nhồi bông hình rồng. Mẫu rồng "đặc biệt" nhất trưng bày tại KymViet có lớp ngoài bằng lụa và thổ cẩm, kết hợp cùng nhiều chất liệu truyền thống khác. Để tạo hình, nhóm thiết kế đã nghiên cứu, chắt lọc các đường nét, họa tiết Rồng trong truyền thống rồi kết hợp với nhau một cách tinh tế. Bên cạnh thú nhồi bông, năm nay, xưởng may của anh Hoài cũng cho ra mắt sản phầm đồng hồ có biểu tượng rồng dựa trên nguyên mẫu linh vật thêu trên long bào đời Nguyễn. Tất cả được in và được xử lý bền, không bị cong vênh.

"Bản thân tôi cũng là một người khuyết tật, tôi hiểu cộng đồng người khuyết tật vất vả thế nào trong cuộc sống. Thông qua những sản phẩm nhỏ bé này, chúng tôi mong muốn xã hội hãy nhìn người khuyết tật theo một góc nhìn khác" - anh Hoài tâm sự.

Đưa hình ảnh rồng Việt ra thế giới

Một câu chuyện rất ý nghĩa mà anh Phạm Việt Hoài kể lại cho tôi nghe là KymViet đã được đón tiếp Công nương Nhật Bản KiKo trong chuyến thăm tại Việt Nam. Tại buổi gặp, anh Hoài đã tặng Công nương KiKo sản phẩm con rồng Việt Nam. Anh cho biết, Công nương rất thích sản phẩm đó và gửi lời cảm ơn. Công nương cũng rất gần gũi với người khuyết tật tại công ty. Anh Hoài cho rằng, đây là biểu tượng gắn kết văn hóa không chỉ là một DN mà nó là hai nền văn hóa của hai đất nước. Kể câu chuyện với chúng tôi, anh Phạm Việt Hoài mở chiếc điện thoại và cho chúng tôi xem một đoạn clip về việc sản phẩm rồng của Việt Nam được gia đình Hoàng gia Nhật Bản giới thiệt trong một chương trình truyền hình của Nhật Bản.

Anh Phạm Việt Hoài và sản phẩm có hình tượng rồng.
Anh Phạm Việt Hoài và sản phẩm có hình tượng rồng.

Chưa dừng lại ở đó, chính anh Hoài là người “chắp cánh” để các sản phẩm của mình theo các chuyến bay đến với bạn bè quốc tế, thông qua đó quảng bá văn hóa và con người Việt Nam. Minh chứng là từ 2017, một số mẫu thú nhồi bông của KymViet đã được chọn là tặng phẩm cho du khách trên chuyến bay yêu thương của Vietnam Airlines dịp Trung thu 2017. Đến nay, sản phẩm của KymViet được rất nhiều giải thưởng, bằng khen và đó chính là sự ghi nhận của các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội.

Sản phẩm rồng của KymViet.
Sản phẩm rồng của KymViet.

Theo anh Hoài, dù là DN đặc thù, tạo việc làm cho người khuyết tật, nhưng KymViet vẫn hoạt động và vận hành như một DN bình thường. Bởi, định hướng kinh doanh của công ty là phải sống bằng nền tảng sản phẩm, đạt yêu cầu mẫu mã, màu sắc và chất lượng để thị trường chấp nhận chứ không phải dựa vào sự thương cảm.