Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản phẩm sáng tạo sẽ lên sàn giao dịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ​Nhìn từ thực tế, đa số chuyên gia đều cho rằng, những sáng kiến vì cộng đồng mang lại nhiều lợi ích, vấn đề chỉ là kết nối để sáng kiến được ứng dụng.

Sản phẩm sáng tạo sẽ lên sàn giao dịch - Ảnh 1Vì thế, theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội, cần xây dựng một "ngân hàng" làm cầu nối cho sáng kiến đi vào thực tiễn.

Ông đánh giá như thế nào về hoạt động sáng tạo?

- Hoạt động sáng tạo có vai trò quan trọng bởi tạo ra những sản phẩm mới cả về vật chất lẫn tinh thần, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, nếu để tự phát thì hiệu quả rất thấp, nên chúng ta phải có tổ chức định hướng cũng như tạo ra văn hóa, đặc biệt là sự cộng hưởng và hiệu ứng xã hội rất tốt. Chúng ta đang sống trong thời kỳ xã hội thông tin, hoạt động sáng tạo rất thuận lợi, nhưng thách thức là phải sáng tạo nhanh, nhiều, hàm lượng thông tin lớn. Do đó, hoạt động sáng tạo phải được tổ chức bài bản, chất lượng hơn, cũng như hàm lượng tri thức cao hơn. Để làm được việc này, các trường ĐH lớn phải tạo điều kiện để cộng đồng tham gia và tạo môi trường sáng tạo.

Làm sao để những sáng tạo đến được cộng đồng theo con đường ngắn nhất, thưa ông?

- Hiện nay, con đường hoạt động sáng tạo nói riêng và nghiên cứu nói chung của chúng ta đang bị cắt khúc rất nhiều. Các sáng tạo của thanh niên và chuyển giao công nghệ ra cộng đồng rất thấp. Chúng tôi cùng các đơn vị đang bàn giải pháp xây dựng một "ngân hàng" các sáng kiến, phát minh của Việt Nam. Và chúng ta có thể xây dựng quỹ ý tưởng, sáng tạo để làm cầu nối triển khai vào thực tiễn.

Cuộc thi Sáng kiến vì cộng đồng vừa qua cho thấy học sinh THPT cũng có những sáng tạo mang tính khả thi. Tuy nhiên, đưa những ý tưởng ấy vào thực tiễn lại là vấn đề?

- Bình thường, những sáng kiến, ý tưởng của học sinh phổ thông được khích lệ bằng lời khen. Nhưng qua cuộc thi này, các sáng kiến được thẩm định, phản biện, đánh giá của một hội đồng khoa học, vì thế nó có giá trị khoa học ở cấp bộ, ngành và cả quốc gia. Đối với Ban tổ chức, những sáng kiến nào được chọn sẽ lọc lựa lần nữa, xây dựng thành "ngân hàng". Trên cơ sở đó, trong những năm tới, Ban tổ chức có kế hoạch xin tài trợ xây dựng quỹ để triển khai những ý tưởng này ra cộng đồng. Như thế, khi ngân hàng sáng kiến được lập, người ta có thể làm sàn giao dịch, mọi người vào đó tham khảo, thấy có nhu cầu thì tự triển khai.

Khi học sinh sáng tạo ra sáng kiến, việc giáo dục ở trường phổ thông nên thay đổi ra sao để các em được tiếp cận sớm với nghiên cứu khoa học?

- Hiện, ngành giáo dục đang đổi mới theo phát huy năng lực sáng tạo của học sinh, hướng đến việc tạo ra của cải vật chất hữu hình cho xã hội. Theo tinh thần ấy, chúng ta vừa phải tiếp tục thay đổi cơ cấu ngành nghề, vừa nâng hàm lượng về tính sáng tạo, để ngành nào cũng tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Thưa ông, thời gian tới, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ có biện pháp hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học để có các công trình được ứng dụng vào thực tiễn?

- ĐH Quốc gia Hà Nội đang có những thuận lợi vì giảng viên là nhà khoa học. Ngay trong quá trình học, sinh viên đã được tham gia làm đề tài cùng thầy cô, nhưng đó là cách tham gia thụ động. Sẽ là sự chủ động khi các em có ý tưởng được thầy trực tiếp hỗ trợ bằng cách cho sử dụng phòng nghiên cứu để triển khai. Tuy nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội rộng, không thể phát triển ngay từ đầu các ý tưởng. Nhưng qua các cuộc thi được tổ chức hàng năm như Giải thưởng khoa học, những đề tài nhỏ được sàng lọc, có thể trường sẽ hỗ trợ phát triển tiếp. Vừa rồi, nhóm sinh viên của ĐH Công nghệ làm bộ cờ toán của Việt Nam từ bản quyền của ông Vũ Văn Bảy (Bắc Ninh) bằng công nghệ thông tin và đưa lên mạng để mọi người tải về chơi. ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ cung cấp kinh phí để các em tạo cuộc thi về cờ toán Việt Nam trong học sinh phổ thông toàn TP Hà Nội dịp 26/3 tới.  

Xin cảm ơn ông!