Lấy học sinh làm trung tâm
Tại hội nghị, các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả các cuốn sách thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã lần lượt giới thiệu những nội dung cơ bản, đặc thù và điểm nổi bật của từng bộ, cuốn sách. Theo ghi nhận, có điểm chung lớn nhất của các bộ sách lần này là lấy học sinh làm trung tâm, qua đó phát huy năng lực, sự sáng tạo từ mỗi học sinh. Bên cạnh đó là các công cụ hỗ trợ cho công tác giảng dạy giúp giáo viên truyền đạt linh hồn bài giảng tới các học trò được thuận lợi và hiệu quả, điển hình bằng việc trình bày bắt mắt, với sự minh họa hình ảnh sống động, dễ nắm bắt, tinh giản nội dung và gần gũi với đời sống.
Ngoài ra, các bộ sách đã để lại ấn tượng với các chuyên mục mới, thu hút. Đơn cử như phần trình bày của GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình SGK mới đã cho thấy, SGK cho học sinh lớp 1 lần đầu xuất hiện phần “Tự đọc sách báo” để rèn luyện kỹ năng, thói quen đọc. Hoặc phần giới thiệu của tác giả, chủ biên môn Toán lớp 1 - Đỗ Tiến Đạt lại cho thấy, cuốn sách đã được điều chỉnh để giảm căng thẳng cho học sinh, với các tiết sinh hoạt, học ngoài trời, tạo cảm giác thư giãn, thoải mái, qua đó giúp các học sinh tiếp thu tốt hơn.
Lồng ghép lòng yêu nước, nhân ái vào mỗi bài giảng
Là 1 trong 5 bộ sách được Bộ GD&ĐT lựa chọn sử dụng trong cơ sở giáo dục cho năm học mới, các cuốn sách trong bộ Vì sự bình đẳng và Dân chủ trong giáo dục của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã để lại ấn tượng mạnh mẽ.
Cụ thể, trong phần giới thiệu bộ môn Âm nhạc, các tác giả của cuốn sách đã “ghi điểm” khi lồng ghép nhiều nội dung đặc sắc, như việc chia cuốn sách thành các chủ đề về tình yêu quê hương, đất nước, văn hóa dân tộc, thiên nhiên... giúp học sinh hình thành và phát triển các năng lực đặc thù, năng lực chung và các phẩm chất tốt đẹp.
Theo chia sẻ của PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trong chương trình giảng dạy âm nhạc trong bộ sách Vì sự bình đẳng và Dân chủ trong giáo dục, ngoài việc phát triển năng lực âm nhạc cho học sinh, cuối mỗi chủ đề sẽ có lồng ghép nội dung giáo dục phẩm chất, lòng yêu nước, tính nhân ái, nhân văn.
Chẳng hạn, trong chủ đề “Nhà ga âm nhạc”, cuốn sách đưa ra các tình huống như việc sử dụng thanh phách đệm cho bài hát “Quê hương tươi đẹp” hoặc “Chỉ vào hình ảnh phù hợp khi nghe bài Quốc ca Việt Nam”... Để tạo hấp dẫn cho các học sinh bắt đầu tiếp cận kỹ năng, kiến thức, cuốn sách Âm nhạc 1 của bộ Vì sự bình đẳng và Dân chủ trong giáo dục đã khéo léo điều chỉnh độ khó tăng dần theo từng lớp, từng cấp, với sự trình bày khoa học, logic, giúp học sinh tiếp nhận bài giảng thuận lợi.
Nói thêm về cuốn sách Âm nhạc 1, chủ biên Đặng Châu Anh phân tích: “Với mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm, cuốn sách đã tạo tính chủ động cho các học sinh khi cách thức tổ chức dạy học tập trung vào việc tổ chức hoạt động. Học sinh không thụ động tiếp nhận kiến thức mà tự tạo kiến thức thông qua việc tham gia vào các hoạt động. Học sinh được trải nghiệm từng bước hình thành kỹ năng, kiến thức mới. Sự đa dạng trong việc tổ chức các hoạt động âm nhạc bảo đảm sự công bằng và dân chủ trong giáo dục”.
Ông Chử Xuân Dũng cho biết, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND TP thành lập hội đồng lựa chọn SGK; xây dựng tiêu chí lựa chọn SGK. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến, đề xuất việc lựa chọn SGK; thông báo danh mục sách được lựa chọn đến giáo viên, học sinh, phụ huynh, đồng thời hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông mua sách để sử dụng.