Sẵn sàng phương án tổ chức giao thông Bến xe Yên Sở

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã có phương án tổ chức giao thông rất khả thi, kết nối Bến xe Yên Sở với khu vực. Tuy nhiên, khi bến xe hoàn thành, đưa vào khai thác, phương án vẫn sẽ tiếp tục được điều chỉnh dựa trên thực tế nhằm đạt hiệu quả tối ưu.

 Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại nút giao Pháp Vân - Giải Phóng. Ảnh: Phạm Hùng
Tách biệt để tránh xung đột
Thời gian qua, có một số ý kiến bày tỏ lo lắng về phương án tổ chức giao thông cho khu vực cửa ngõ phía Nam khi Bến xe Yên Sở hoàn thành, đưa vào khai thác. Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, Bến xe Yên Sở đã được xác định rõ trong Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng như các quy hoạch chuyên ngành khác. Do đó, phương án tổ chức, kết nối bến xe này với khu vực nói riêng và toàn hệ thống giao thông nói chung đã được nhiều cơ quan chuyên môn của bộ, ngành T.Ư và TP Hà Nội tính toán khá kỹ.

Mặt khác, Sở GTVT đã phối hợp với chủ đầu tư dự án, xây dựng phương án cụ thể tổ chức kết nối giao thông giữa Bến xe Yên Sở với khu vực và các tuyến đường lớn xung quanh. Theo đó, phương án kết nối giao thông với Bến xe Yên Sở được chia làm 2 hạng mục: Kết nối tại cổng ra vào bến và hướng lưu thông trên các trục đường đi đến bến.

Do cổng Bến xe Yên Sở nằm ngay trên đường gom Vành đai 3 nên để đảm bảo các phương tiện dễ dàng tiếp cận, đồng thời tránh xung đột trực tiếp với dòng xe đi thẳng, sẽ tiến hành xén hè, tạo vịnh lưu thông riêng trước cổng bến. Vịnh sẽ tách biệt với đường gom bên ngoài, rộng 3,5m, dài 330m; được bổ sung cổng chào có biển báo, kết hợp sơn kẻ đường dẫn hướng và cảnh báo từ xa cho các phương tiện giao thông. Dự kiến mặt cắt đường gom Vành đai 3 tại vị trí Bến xe Yên Sở được mở rộng thêm 3,5m, chưa tính vỉa hè, lắp các biển báo, sơn kẻ, gờ giảm tốc theo thiết kế của bến đã được phê duyệt.

Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng: “Việc tạo vịnh tách biệt cổng bến xe với đường gom Vành đai 3 sẽ tránh mọi xung đột giao thông thường thấy ở khu vực cổng các bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm. Đảm bảo sẽ không hình thành điểm ùn ứ, mất trật tự, ATGT tại cổng Bến xe Yên Sở”.
 Ùn tắc trên tuyến đường Giải Phóng
Mở thêm tuyến đường rộng 32m

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô mạnh Tuấn cho biết thêm, nhằm đảm bảo các luồng lưu thông đi - đến và ngang qua Bến xe Yên Sở, hạ tầng giao thông sẽ được cải tạo; hệ thống đèn tín hiệu, biển báo cũng được điều chỉnh tối ưu. Mặt khác, giai đoạn từ nay đến năm 2030, theo quy hoạch phân khu chi tiết, bên cạnh Bến xe Yên Sở sẽ mở thêm một tuyến đường bề rộng 32m, song song với QL1 cũ, khi đó sẽ góp phần giảm tải mạnh mẽ cho tuyến đường gom của Vành đai 3 và nâng cao khả năng lưu thông khu vực xung quanh bến.
Các phương tiện: Xe khách liên tỉnh, taxi, xe buýt, xe cá nhân đi - đến Bến xe Yên Sở sẽ được hướng dẫn lưu thông theo phương án riêng với từng loại hình; đảm bảo hạn chế tối đa xung đột, áp lực giao thông cho khu vực.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn
Trước mắt, tại ngã tư Tam Trinh - Vành đai 3 sẽ tạo 1 làn rẽ trái, quay đầu liên tục, theo hướng đường gom Vành đai 3. Khu vực trung tâm nút giao sẽ được bổ sung, điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông, vạch sơn, biển báo, dải phân cách phù hợp. Khu vực nút giao Pháp Vân - Vành đai 3 cũng được lắp thêm đèn tín hiệu, bố trí lại các pha đèn, sơn kẻ lại vạch sơn hướng dẫn giao thông; kết hợp mở làn rẽ trái rồi cho quay đầu liên tục tại khoang gầm đường Vành đai 3 trên (trước ngã 4 Pháp Vân theo hướng cầu Thanh Trì - Pháp Vân), nhằm giảm xung đột tại trực tiếp tại khu vực nút giao trọng điểm này.

Ngoài ra, toàn bộ hệ thống hầm chui dân sinh trên đường gom Vành đai 3 sẽ được rà soát để tăng cường các biện pháp cảnh báo giao thông nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông. Lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông trên 2 tuyến đường gom Vành đai 3 và các tuyến đường kết nối để ngăn chặn, xử lý hiện tượng đón trả khách trái phép bên ngoài bến xe nếu có.

Thạc sỹ Phan Trường Thành cho rằng: “Phương án tổ chức giao thông nào cũng vậy, còn cần phải rút kinh nghiệm từ thực tế rồi tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp nhất”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần