Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, vụ Thu Đông năm nay, toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống được 611.314ha. Riêng 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp có diện tích là 229.868ha, chiếm 37,6% tổng diện tích toàn vùng. Tính đến ngày hôm qua (5/10) thiệt hại lúa Thu Đông mất trắng do lũ gây ra là khoảng 6.000ha, chiếm khoảng 0,98% tổng diện tích. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, mục tiêu tăng 1 triệu tấn lúa theo yêu cầu của Chính phủ đã được Bộ NN&PTNT phân bổ ra cả ba vụ. Trong đó, vụ Thu Đông là 100.000ha, tương đương với 500.000 tấn lúa. Chính vì vậy, diện tích bị ngập do lũ tại ĐBSCL cho đến thời điểm hiện tại vẫn không ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu tăng sản lượng lúa.
Hiện tại, diện tích lúa Thu Đông đã thu hoạch đạt 154.950ha (chiếm 25,3% diện tích xuống giống), còn 373.818ha đang trong giai đoạn đẻ nhánh và 136.909ha giai đoạn trỗ và 45.636ha giai đoạn chín. Riêng tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch 74.681ha, đạt 76% diện tích xuống giống với năng suất đạt 5,22 tấn/ha. An Giang thu hoạch 2.918ha đạt 2,22% diện tích xuống giống với năng suất bình quân 5,26 tấn/ha.
Ông Ngọc cho biết thêm, kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông được làm rất bài bản. Trước khi triển khai, Cục Trồng trọt đã phối hợp với các địa phương qui hoạch vùng tăng diện tích ở những nơi có đê bao an toàn, ngăn được cả lũ sớm và lũ muộn. Hơn nữa, thời vụ thu hoạch lúa Thu Đông vào thời tiết khô ráo, chất lượng hạt gạo sẽ ngon hơn và giá thành sản phẩm cao. Đặc biệt, đây là nguồn cung cấp giống thuận lợi cho vụ Đông Xuân sắp tới. Do vậy, chủ trương gieo trồng lúa vụ 3 là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng bà con nông dân không nằm trong vùng qui hoạch vụ 3 vẫn tự ý xuống giống ở những khu vực không có bờ bao nên rất dễ bị ngập lụt khi có lũ.
Theo ông Ngọc, bài học cần rút ra từ đợt lũ năm nay là các cấp chính quyền phải thể hiện rõ vai trò của mình thông qua hình thức hành chính chứ không còn là khuyến cáo nữa. Cùng với đó, sự hỗ trợ của Nhà nước cần kịp thời và hợp lý hơn. "Đầu vụ chúng tôi đề nghị mãi mới được hỗ trợ gần 100 tỉ đồng cho gia cố đê bao sản xuất lúa vụ 3. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại chậm trễ trong việc xuất tiền. Vừa qua, khi có lũ Chính phủ lại tiếp tục hỗ trợ 170 tỉ đồng cho 8 tỉnh ĐBSCL gia cố đê bao, khắc phục hậu quả. Nếu số tiền này được hỗ trợ ngay từ đầu thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều" - ông Ngọc bày tỏ.