Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng đi bền vững

Xuân Lương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 bước đầu đã đạt được hiệu quả khả quan. Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ giúp người dân giảm chi phí sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm mang tính bền vững.

Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, mục tiêu của đề án là đến năm 2025 có 100% nông dân tham gia mô hình am hiểu về tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, có khả năng tự sản xuất hữu cơ khi kết thúc đề án. Đồng thời, thực hiện điểm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ trong nước hoặc quốc tế với khoảng 210 ha, kể cả đất trồng cỏ; trong đó, diện tích đất được chứng nhận hữu cơ đạt 180 ha.

Trồng lúa hữu cơ giúp nông dân tiết giảm được 5 triệu đồng/ha chi phí sản xuất. Ảnh Xuân Lương
Trồng lúa hữu cơ giúp nông dân tiết giảm được 5 triệu đồng/ha chi phí sản xuất. Ảnh Xuân Lương

Cùng đó, nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích, với giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,2 - 1,4 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Đặc biệt, có 100% sản phẩm được chứng nhận hữu cơ được quảng bá, bao tiêu.

Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 bắt đầu được thực hiện từ năm 2022 đến cuối năm 2023, đã triển khai đồng bộ 5 hợp phần gồm: Hoạt động triển khai và điều phối đề án; nâng cao năng lực cho các tác nhân tham gia mô hình; hỗ trợ các hoạt động tư vấn để xây dựng mô hình và đánh giá chứng nhận; xây dựng các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận và quảng bá và kết nối tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ.

Kết quả, trong 2 năm (2022-2023), đề án đã nâng cao năng lực thông qua các đợt triển khai, tập huấn cho hàng trăm thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác và nông hộ tham gia sản xuất hữu cơ; tổ chức tham quan, học tập mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh Lâm Đồng, Vĩnh Long và Bến Tre... Đồng thời, hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ cho 32 mô hình trên cây ăn trái, các mô hình trên lúa, lúa-cá, lúa luân canh tôm; trên vật nuôi; hỗ trợ 14 mô hình sản xuất hữu cơ được tư vấn để đánh giá chứng nhận. Tổ chức liên kết xúc tiến thương mại, thông qua việc tham gia gian hàng trưng bày tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhận định, định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng là ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, trong đó sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số là giải pháp quan trọng, sẽ triển khai thực hiện. 

Đồng thời, ông Vương Quốc Nam đánh giá cao các kết quả ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đạt các kết quả tích cực. Ông đề nghị trong thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan và các địa phương tham gia dự án cần triển khai thực hiện lấy hiệu quả làm chính, triển khai thực hiện đa dạng các mô hình, loại hình cây trồng vật nuôi. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu, các địa phương tham gia dự án phải tăng cường vận động tuyên truyền thực hiện có hiệu quả đề án.