Kinhtedothi - Liên kết được coi là mấu chốt quyết định thành công trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với nền nông nghiệp hàng hóa. Mặc dù vậy, suốt thời gian qua, việc liên kết giữa nông dân với DN xem ra vẫn còn khá lỏng lẻo do thiếu đơn vị đứng ra làm đầu mối.
Chưa chung đích đến
Câu chuyện về liên kết giữa DN và người trồng rau an toàn ở các xã Thụy Hương (Chương Mỹ), Vân Nội (Đông Anh)… những năm qua cho thấy đây thực sự là khâu yếu của ngành nông nghiệp nói chung. Nói yếu là bởi khi không cung cấp đủ sản phẩm, nông dân đã thu mua sản phẩm ở nơi khác trộn lẫn vào hoặc khi giá đắt thì tranh thủ bán ra bên ngoài. Tương tự, trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều nông dân nuôi bò sữa ở ngoại thành thời gian qua cũng một phen lao đao khi phía DN thông báo không thể thu mua hết lượng sữa, đồng thời có lộ trình cắt giảm thu mua ở một số địa bàn không thuộc vùng nguyên liệu. Điều này cho thấy, cả nông dân lẫn DN chưa có chung một đích đến. Hay nói cách khác là chưa xây dựng được một phương thức làm ăn chuyên nghiệp, uy tín, bền vững cả hai bên.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Thục - chuyên gia Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển chia sẻ, hợp đồng giữa nông dân với DN dễ bị phá vỡ bởi yếu tố giá. Chỉ cần giá trên thị trường biến động là xảy ra đứt gãy. Tuy nhiên, theo ông Thục, những tác động về giá hoàn toàn có thể kiểm soát được một cách thuần túy thông qua việc xác định khoảng dự toán về biến động giá trong hợp đồng. Vấn đề quan trọng là hướng dẫn cho người nông dân tư duy làm kinh tế thị trường. “Nhà nước đã có hướng dẫn soạn thảo hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho nông dân, song thực tế nhiều DN lại không chấp nhận hợp đồng này” - ông Thục cho biết.
Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, trước đây, Chính phủ đã có Quyết định số 80/2002/QĐ-TTG về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Bộ NN&PTNT cùng với các bộ, ngành, địa phương đã cố gắng triển khai thực hiện nhưng không nhân được ra diện rộng. Rút kinh nghiệm Quyết định số 80, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Sau hơn một năm thực hiện, chủ yếu mới trên cây lúa và đạt được diện tích khoảng hơn 500.000ha. Tuy nhiên, so với 7,5 triệu héc ta gieo trồng lúa thì tỷ lệ này không cao, thậm chí rất nhiều nơi có ký kết nhưng không thực hiện.
Doanh nghiệp làm đầu tàu
Liên kết là xu hướng phát triển mạnh mẽ nhằm hướng tới xây dựng nền sản xuất hàng hóa bền vững trong bối cảnh hiện nay. Đây là đòi hỏi không chỉ ở phía nông dân mà ngay cả đối với DN, xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Để đảm bảo liên kết bền vững, mọi nguyên tắc, thỏa thuận giữa nông dân và HTX, DN phải được minh bạch, công khai. Câu chuyện thành công về liên kết sản xuất, cung ứng rau an toàn giữa siêu thị Metro với Tổ hợp tác Suối Thông B2 (Đơn Dương, Lâm Đồng) là một ví dụ. Theo đó, mỗi nông dân trong Tổ hợp tác được cấp một mã số riêng, tài khoản riêng, hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và có trách nhiệm hỗ trợ các hộ gia đình khác về kỹ thuật khi có yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, muốn thực hiện được liên kết thành công trên diện rộng, quan trọng là phải tạo môi trường để các DN vào hoạt động có hiệu quả và phát triển các hình thức hợp tác kiểu mới. Ở đây, vai trò then chốt là DN, phải có nhiều DN mạnh làm những đầu tàu xây dựng các chuỗi liên kết. Cùng với DN, phải có các HTX hoặc các hình thức tổ chức liên kết của nông dân để làm đầu mối, bởi một DN không thể trực tiếp liên kết với hàng vạn hộ nông dân. Bên cạnh đó, cũng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp.
Sản xuất rau an toàn tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thiện
|
Muốn hợp tác bền vững, người nông dân phải cam kết đảm bảo chất lượng, không trà trộn sản phẩm bên ngoài vào để làm sao giữ được thương hiệu cho mình và bạn hàng. Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam |