Sáng kiến bệnh viện dã chiến Covid-19 ở Italia

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các kiến ​​trúc sư đã từng sử dụng container để làm mọi thứ, từ cửa hàng di động đến nhà ở cho sinh viên và nay là các cơ sở chăm sóc chuyên sâu 2 giường trong đại dịch Covid-19, khắc phục được hạn chế của các loại hình bệnh viện dã chiến đã có.

Mô hình bệnh viện dã chiến mới được thí điểm ở Milan.
Đi cùng với số ca nhiễm virus trên toàn thế giới, nhu cầu đối với các đơn vị chăm sóc chuyên sâu cũng tăng cao. Theo một báo cáo chính thức từ Chính phủ Trung Quốc dựa trên kinh nghiệm chống Covid-19, có 2 giải pháp cho bệnh viện dã chiến phổ biến hiện nay.
Cách thứ nhất là tận dụng một mặt bằng có diện tích lớn và lấp đầy bằng các giường bệnh, tạo ra một bệnh viện dã chiến chỉ trong 1 đêm. Số lượng bệnh nhân có thể tiếp nhận theo phương án này khá lớn, nhưng các nhà chức trách Trung Quốc phát hiện ra rằng, do nồng độ không khí bị ô nhiễm mạnh, nhiều nhân viên y tế tại các cơ sở này bị nhiễm bệnh.
Cách thứ hai là các bệnh viện đúc sẵn, được trang bị hệ thống thông khí cơ học và áp suất âm cần thiết cho việc ngăn chặn virus, vi khuẩn..., nhưng phải mất vài tháng để hoàn thành, trong khi số lượng giường bệnh có hạn.
Từ đây, một nhóm kiến trúc sư quốc tế đã cố gắng tìm cách kết hợp lợi thế của 2 phương án, nhằm tối ưu về thời gian hoàn thiện, số giường bệnh lớn và môi trường đảm bảo. Và kết quả của họ là Cura (Đơn vị kết nối cho bệnh hô hấp), bao gồm hệ thống máy chiết để tạo áp suất không khí âm, bên trong các container có thể được vận chuyển đến bất cứ đâu và triển khai trong chỉ vài giờ.
Sáng kiến Cura của Martin Ratti, một kiến trức sư Italia tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) kết hợp với 1 đồng nghiệp tại Bệnh viện nghiên cứu Humanitas ở Milan và một nhóm các chuyên gia hàng đầu châu Âu, hiện đã nhận được tài trợ từ UniCredit để phát triển một cơ sở mẫu đầu tiên.
Nó sẽ được triển khai thí điểm tại một bệnh viện ở Milan, một trong những tâm dịch tại quốc gia hiện có số ca nhiễm cao thứ 3 và số ca tử vong cao thứ nhất thế giới. Các thiết kế hiện đã được nhóm công khai trực tuyến, với hy vọng có thể nhân rộng mô hình trên toàn thế giới. Nhóm cũng đang kêu gọi một số nhà sản xuất ô tô cùng tham gia sản xuất.
"Điểm quan trọng nhất là yếu tố linh hoạt trong di chuyển", KTS Ratti nói về ưu điểm của Cura, "các làn sóng của virus di chuyển đến các khu vực khác nhau rất nhanh, vì vậy chúng ta cần khả năng triển khai các đơn vị chăm sóc đặc biệt bất cứ nơi nào chúng cần nhất".
Ông Ratti ước tính, mỗi container gồm 2 giường bệnh và tất cả các thiết bị y tế có thể được sản xuất với giá khoảng 100.000 USD - chỉ bằng 1/3 chi phí hoạt động của một bệnh viện khẩn cấp từ khối đúc sẵn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần