Các đại biểu thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
Về thu hồi đất, có ý kiến tán thành thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; làm rõ công trình hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt là vì mục đích dữ trữ quốc gia thì Nhà nước thu hồi đất, nhưng nếu vì lợi ích của doanh nghiệp thì phải thỏa thuận với người sử dụng đất. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị không quy định Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đã dự kiến quỹ đất sử dụng cho mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn, quan trọng của đất nước được quy định tại Điều 62. Đối với các công trình hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 62 là các công trình phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Các dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư để thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được quy định tại Điều 73.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội; gộp thành một điều vì rất khó tách bạch giữa mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng với mục đích phát triển kinh tế - xã hội; bỏ giao Chính phủ quy định cụ thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và bổ sung quy định tại Điều 62 về các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội.
Có ý kiến đề nghị trường hợp nhà đầu tư đã thỏa thuận được từ 70 đến 80 % số người sử dụng đất trong dự án mà số người sử dụng đất còn lại không đồng ý thì Nhà nước cần có cơ chế để xử lý. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội để hạn chế việc thu hồi đất tràn lan gây bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân. Nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội có nhu cầu sử dụng đất sẽ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc được Nhà nước bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng. Việc thỏa thuận để chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất giữa hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất với nhà đầu tư chỉ thực hiện đối với những dự án không thuộc trường hợp Nhà nước trực tiếp thu hồi đất, thường là những dự án nhỏ, lẻ. Đây là thỏa thuận mang tính dân sự theo nguyên tắc bình đẳng trên cơ sở các quyền hợp pháp của người sử dụng đất, vì vậy không nên quy định cơ chế can thiệp bằng biện pháp hành chính của Nhà nước.
Về ý kiến đề nghị Nhà nước cần thu hồi toàn bộ diện tích đất và bồi thường một lần đối với đất trong phạm vi hành lang an toàn của các công trình giao thông. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, để có thể thu hồi toàn bộ diện tích đất nằm trong hành lang an toàn của các công trình giao thông thì cần khoản kinh phí rất lớn để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong điều kiện hiện nay ngân sách nhà nước không đủ để thực hiện việc thu hồi toàn bộ diện tích này. Hơn nữa, người có đất trong phạm vi hành lang an toàn các công trình giao thông vẫn có thể sử dụng đất vào các mục đích nhất định mà không gây ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng các công trình này. Khi Nhà nước xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn mà không thu hồi đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn thì người sử dụng đất được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất.
Có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về xử lý tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng tài sản thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân thì phải trưng mua. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với trường hợp thu hồi đất, Nhà nước không sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân vào những mục đích nhất định mà cần phải giải phóng mặt bằng nên Nhà nước không trưng mua tài sản mà bồi thường thiệt hại tài sản do việc thu hồi đất gây ra. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.
Về đề nghị quy định cụ thể về trưng dụng đất trong Luật đất đai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý quy định về trưng dụng đất theo hướng cụ thể hơn về các trường hợp trưng dụng, thẩm quyền, thời hạn, hiệu lực, hình thức của việc trưng dụng đất tại Điều 72. Về quyền góp vốn của người sử dụng đất đã được quy định tại các Điều 167 và Điều 179 của dự thảo Luật. Để khuyến khích người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất, Nhà nước sẽ có chính sách về miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
* Phiên họp chiều ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ xây dựng Trịnh Đình Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật xây dựng (sửa đổi). Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật xây dựng (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.