Bạn Đặng Thị Quỳnh Như – thành viên của dự án chia sẻ: “Dự án này đã chính thức hoạt động được 5 năm. Trọng tâm của Dự án là Văn phòng thực hành Luật. Tại đây, sinh viên (SV) được đào tạo để tiếp nhận và giải quyết các nhu cầu của khách hàng. Việc tiếp nhận và giải quyết này chịu sự giám sát chặt chẽ của các giám sát viên - là những giảng viên, luật sư giàu kinh nghiệm nhằm đảm bảo không có sai sót nào xảy ra gây bất lợi cho khách hàng”.
Một buổi giáo dục pháp luật cộng đồng của dự án tại trường THCS Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Bình An |
Bên cạnh hoạt động tư vấn pháp lý tại Văn phòng, các giảng viên và SV còn có những chuyến đi giảng dạy và tư vấn pháp lý cho người dân tại các địa phương còn khó khăn, như các huyện ngoại thành Hà Nội, Lạc Sơn (Hòa Bình), Văn Lâm (Hưng Yên), Đông Sơn (Thanh Hóa)… Các chủ đề được lựa chọn tuyên truyền hết sức gần gũi, thiết thực với đời sống hàng ngày như: Bạo lực học đường, ATGT, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con cái hay giới trẻ với sống thử…
Được tìm hiểu thêm những kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình qua các SV ngành Luật, chị Nguyễn Thị Trà (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) chia sẻ: “Với sự sáng tạo, nhiệt huyết, các thành viên Dự án đã biến những kiến thức pháp luật vốn khô khan trở nên sinh động và hấp dẫn, giúp người học dễ nghe, dễ hiểu thông qua các hình thức đóng kịch, chơi trò chơi, diễn án... Bởi vậy, tôi thấy những kiến thức về pháp luật trở nên rất dễ hiểu, dễ nhớ. Các bạn cũng đã tạo không khí sôi nổi khi đưa ra các tình huống thực tế để chúng tôi cùng thảo luận”.
Tuy nhiên, để có những chuyến đi thành công, các thành viên trong Dự án gặp không ít khó khăn. Trong đó, quan trọng nhất là nguồn kinh phí. Những hoạt động của Dự án hiện tại đều do thầy cô Khoa Luật hỗ trợ kinh phí và các thành viên tự chi trả. Ngoài ra, việc liên hệ đến các địa phương – nơi tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý cũng không thật sự dễ dàng. Bên cạnh đó, các thành viên Dự án đều là SV, lịch học và làm việc khá chồng chéo và dày đặc nên cũng tương đối khó khăn để thực hiện các chuyến đi giảng và tư vấn.
Khó khăn là vậy nhưng các thành viên vẫn luôn cố gắng đoàn kết tìm cách khắc phục để mang lại lợi ích cho cộng đồng. Họ đã mang tri thức pháp luật đến với nhiều đối tượng như: Học sinh, SV, đồng bào dân tộc... Đặc biệt, những chuyến đi của các thành viên trong Dự án đến với vùng sâu, vùng xa đã góp phần đưa pháp luật tới nhiều nơi để mọi người được tiếp cận một cách đúng đắn nhất.
Không chỉ mang kiến thức về pháp luật đến với người dân, tham gia Dự án, các bạn SV ngành Luật có thêm cơ hội được học tập thực tế, trang bị kỹ năng, trau dồi kiến thức để trưởng thành hơn. Hà Vy (thành viên dự án) chia sẻ: “Không chỉ tạo ra môi trường rèn luyện kỹ năng, Dự án còn tạo cơ hội cho các thành viên được tham gia tổ chức các sự kiện, được đi giao lưu cùng các bạn SV các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… và tham gia hội thảo tại các nước trong khu vực Đông Nam Á”.
Từ dự án này, nhiều SV đã thành công, trở thành những luật gia giỏi hay các giảng viên xuất sắc. “Với những lợi ích thiết thực cho cộng đồng và các thành viên, nên trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục được thực hiện ở nhiều địa phương khác. Mình hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, các đối tượng yếu thế sẽ nhận được sự trợ giúp của Dự án” - Quỳnh Như nói.