Sáng tạo trong giải quyết việc làm cho người lao động

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ cách làm sáng tạo trong tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đến nay, toàn TP Hà Nội giải quyết việc làm cho trên 200.000 người lao động, đạt 123% kế hoạch năm 2023, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Tổ chức đa dạng các phiên giao dịch việc làm

Ngay từ đầu năm 2023, các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng DN và người dân toàn TP Hà Nội đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định hoạt động DN, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập của người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, cơ cấu lại và nâng cao thị trường lao động. Tính đến nay, toàn TP đã giải quyết việc làm cho 200.280 lao động, đạt 123% kế hoạch năm 2023, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương 4.794 lao động; góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn
Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn

Đóng góp vào kết quả giải quyết việc làm cho người lao động, Sở LĐTB&XH
Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 214 phiên giao dịch việc làm thu hút 6.127 đơn vị, DN tham gia với tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh 96.725 chỉ tiêu. Đã có 43.476 lao động được phỏng vấn và 15.315 lao động được tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm.

Chia sẻ về hiệu quả hoạt động của phiên giao dịch việc làm với những cách làm sáng tạo, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo” của UBND TP Hà Nội, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã chuyển đổi tổ chức của Sàn Giao dịch việc làm tại 144 Trần Phú (quận Hà Đông) và chuyển đổi mô hình hoạt động của 8 điểm giao dịch việc làm. Đến nay, hệ thống Sàn giao dịch việc làm TP Hà Nội bao gồm Sàn Trung tâm tại 215 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy) và 14 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện.

Các phiên giao dịch việc làm hằng ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần được tổ chức đồng bộ từ sàn trung tâm đến 14 sàn vệ tinh phục vụ các DN tuyển dụng lao động và người lao động đến tìm việc làm. Bên cạnh việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, Sở LĐTB&XH Hà Nội tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm theo chuyên đề, lồng ghép, lưu động tại các quận, huyện, thị xã và các cơ sở đào tạo trên địa bàn TP để phục vụ nhu cầu tìm việc của nhiều người lao động.

Nhiều đối tượng lao động có cơ hội tìm việc làm

Một cách làm sáng tạo khác trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đó là bên cạnh việc tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động, các quận, huyện còn triển khai hoạt động tư vấn việc làm, hướng nghiệp học nghề, chia sẻ thông tin chính sách pháp luật lao động cho người lao động nói chung cũng như bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ, các gia đình chính sách... Đặc biệt, qua các phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức ở quận Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, huyện Thanh Oai, Đông Anh…, những người chấp hành xong hình phạt tù và người sau cai nghiện ma túy có điều kiện tạo lập cuộc sống của bản thân, trở thành người có ích cho xã hội và gia đình.

Và để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu giữa DN và người lao động, trước khi tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Phòng LĐTB&XH quận, huyện đều khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các DN về giới tính, trình độ, mức lương, độ tuổi, nhóm ngành nghề. Cùng với đó, thu thập thông tin về nhu cầu, nguyện vọng tìm việc của người lao động trên địa bàn để tạo cơ hội việc làm cho họ.

Song hành cùng việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, Sở LĐTB&XH
Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động. Cùng với hình thức phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp, Trung tâm tổ chức phỏng vấn online; công tác tư vấn cho người lao động cũng được triển khai theo hai hình thức này. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành chia sẻ: "Chúng tôi thực hiện cung cấp cho người lao động thông tin về cầu lao động, các vị trí việc làm, chỉ tiêu tuyển dụng, yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với từng vị trí".

Cùng với đó, Trung tâm thông tin tới người lao động về chế độ, quyền lợi DN đưa ra để họ nắm bắt được mặt bằng chung của thị trường lao động thời điểm hiện tại. Qua việc tư vấn này, người lao động biết được lĩnh vực, ngành nghề nào đang có xu hướng tuyển dụng nhiều để chủ động tự trau dồi, trang bị kiến thức, học hỏi; hoặc nhanh chóng bổ sung những kiến thức phù hợp để tiếp cận với thị trường lao động một cách nhanh nhất.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cung cấp cho DN thông tin về nguồn cung lao động, mặt bằng trình độ, lứa tuổi, tìm kiếm việc làm ở những lĩnh vực, ngành nghề nào để họ thấy được bức tranh hiện tại của thị trường lao động, từ đó đưa ra những chế độ, quyền lợi, yêu cầu phù hợp đối với người lao động. “Tôi nghĩ rằng, đây cũng là một trong những nội dung tác động trực tiếp để nâng cao hiệu quả kết nối và chất lượng lao động cũng tăng lên” - ông Vũ Quang Thành nhận định.

Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, với những hình thức hoạt động đa dạng, phong phú và liên tục đổi mới, sáng tạo trong công tác tổ chức các phiên giao dịch việc làm thì đây tiếp tục là một kênh chính thống và đáng tin cậy của người lao động và người sử dụng lao động trong việc kết nối cung – cầu lao động. Cũng là công cụ hữu hiệu trong việc điều tiết thị trường lao động của cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm và đặc biệt làm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn Hà Nội.

 

Đào tạo nghề gắn với DN luôn được TP Hà Nội quan tâm chú trọng. Từ năm 2021 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với gần 3.000 lượt DN với nhiều nội dung, hình thức phối đa dạng như: tiếp nhận 104.053 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập tại DN; 1.705 DN tuyển dụng 397.901 học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Đã có 1.301 DN đặt hàng đào tạo đối với 328.063 học sinh, sinh viên… Bên cạnh đó, hằng năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP triển khai hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động đang làm việc tại các DN này. Sở LĐTB&XH Hà Nội thống kê, giai đoạn 2021 đến nay đã triển khai tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng nghiệp cho gần 30.000 lượt lao động tại các DN nhỏ và vừa.