Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp hết cảnh “thần chết di động” trên đường

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phương tiện vận chuyển cuộn thép, ống cống, cọc bê tông cốt thép (BTCT), cọc thép,… chằng buộc hời hợt di chuyển trên đường được ví như những “thần chết di động”, từng gây ra không ít vụ tai nạn chết người.

Xe chở hàng hóa cồng kềnh, chằng buộc lỏng lẻo đi trên đường từng gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.
Xe chở hàng hóa cồng kềnh, chằng buộc lỏng lẻo đi trên đường từng gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.

Cục Đường bộ Việt Nam đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ với những quy định chặt chẽ cả về phương tiện chuyên chở và hàng hóa chuyên chở.

Theo đó, đơn vị vận tải, người xếp hàng và lái xe phải thực hiện việc xếp hàng lên xe để vận chuyển không được vượt quá khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông của phương tiện, tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ, đảm bảo các quy định về an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Trường hợp đơn vị vận tải và lái xe sử dụng xe ô tô chở hàng chuyên dùng (xe ô tô tải chuyên dùng hoặc xe ô tô chuyên dùng), sơ mi rơ moóc chuyên dùng, rơ moóc chuyên dùng thì phải chở đúng loại hàng hoá theo thiết kế phương tiện của nhà sản xuất.

Đối với hàng hóa vận chuyển trên xe, dự thảo nghị định quy định phải được xếp đặt gọn gàng, xếp dàn đều, không xếp lệch về một phía và chằng buộc chắc chắn, chèn, lót đảm bảo không bị xê dịch, rơi vãi không gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông; không cản trở tầm nhìn của lái xe; không làm mất thăng bằng của xe hoặc gây khó khăn cho lái xe khi điều khiển xe; không được che khuất đèn, biển số đăng ký của xe.

Riêng các loại hàng hóa là máy móc, phương tiện giao thông thì trước khi xếp lên phương tiện phải rút hết nhiên liệu ra khỏi bình chứa. Các loại hàng hóa là thành phẩm (không phải hàng hóa ở dạng thô) đã được đóng gói thành bao, kiện, thùng, cuộn, khối, việc xếp hàng hóa trên phương tiện ưu tiên thực hiện theo khuyến cáo, hướng dẫn của nhà sản xuất.

Trường hợp vận chuyển hàng rời trên phương tiện không có thùng kín, đơn vị vận tải và lái xe phải sử dụng thiết bị, dụng cụ để đóng gói hoặc che kín hàng hóa, đảm bảo hàng hóa không bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển.

Hàng rời khi vận chuyển, đơn vị vận tải và lái xe phải sử dụng xe ô tô tải/rơ mooc/sơmi rơ mooc có thùng. Đặc biệt, nếu vận chuyển hàng rời, vật liệu xây dựng, phế thải trên phương tiện có thùng kín, đơn vị vận tải và lái xe phải che đậy kín, không để rơi vãi xuống đường hoặc gây ra tiếng ồn, bụi bẩn trong suốt quá trình vận chuyển trên đường và chiều cao tối đa của hàng phải thấp hơn mép trên thành thùng xe.

Ngoài ra, dự thảo nghị định còn đưa ra nhiều quy định chặt chẽ đối với xếp hàng bao kiện, hàng dạng trụ, hàng trụ ống có bề mặt trơn nhẵn, container… Những quy định trên nếu được thông qua sẽ tạo ra bước đột phá về hành lang pháp lý trong hoạt động xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ, chấm dứt cảnh “thần chết di động” trên đường như trong thời gian qua.

 

Những vụ tai nạn liên quan đến  phương tiện vận chuyển cuộn thép, ống cống, cọc bê tông cốt thép (BTCT), cọc thép,… bị đứt dây chằng hoặc không chèn chắc chắn để rơi xuống đường  xảy ra nguyên nhân chủ yếu do đơn vị vận tải, lái xe chưa thực hiện nghiêm các quy định về xếp hàng hoá trên phương tiện, việc xếp, chèn lót hàng trên xe chưa đảm bảo an toàn, dây sử dụng để chằng buộc không đủ lực để giữ cố định hàng hoá dẫn đến khi xảy ra sự cố hoặc xe phanh gấp làm đứt cáp khiến hàng hóa rơi xuống đường.