Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Băn khoăn lộ trình thực hiện

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/3, Bộ Nội vụ tổ chức triển khai Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch thực hiện sắp xếp, mẫu hồ sơ đề án sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Tới dự có đại diện các cơ quan T.Ư và tỉnh, TP phía Bắc, trong đó có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng.

 Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Chương Mỹ. Ảnh: Thanh Hải
Tính đến yếu tố đặc thù

Từ tình hình thực tế địa phương, đại diện các tỉnh, TP đã kiến nghị những giải pháp cụ thể vào Dự thảo Nghị quyết do Bộ Nội vụ xây dựng về kế hoạch triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Trong đó, đa số đề nghị thời gian hoàn thành sắp xếp ĐVHC cấp xã nên quy định chậm nhất trong năm 2019 để các địa phương tập trung vào công tác đại hội cấp xã sẽ diễn ra ngay từ những tháng đầu 2020. Về lấy phiếu ý kiến cử tri vào phương án sắp xếp, cần khẳng định đây chỉ là phiếu tham khảo và phải do các cấp có thẩm quyền quyết định.
Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, các ĐVHC cấp huyện, xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với các mục tiêu cụ thể: Từ nay đến năm 2021, cơ bản hoàn thành sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, việc tách ra thì dễ nhưng sáp nhập vào là rất khó, đòi hỏi thống nhất cao trong nhận thức và hành động. “Từ năm 1976 đến nay, Hà Nội đã qua 3 lần sáp nhập và chia tách, trong đó hơn 10 năm trước đã hợp nhất với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh và 4 xã tỉnh Hòa Bình. Tuy là việc rất khó nhưng giờ đã có thể khẳng định việc hợp nhất thực sự mang lại tiềm năng rất to lớn, đời sống Nhân dân các khu vực hợp nhất về Hà Nội được nâng lên rõ rệt” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chia sẻ. Đồng thời cho biết: Từ kinh nghiệm thực tiễn của TP, có thể thấy trước khi sắp xếp nên nhận diện rõ về các ĐVHC từ huyện đến xã, đề ra nguyên tắc, tiêu chí khung cho việc sắp xếp.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn để có cơ chế chính sách đặc thù cho số cán bộ dôi dư sau sáp nhập, hợp nhất để đảm bảo ổn định tư tưởng cho cán bộ yên tâm công tác. Về lộ trình thời gian đề ra tháng 5/2019 các tỉnh, TP đã phải báo cáo Bộ Nội vụ, đây là thách thức rất lớn vì thực tế chỉ còn hơn một tháng để địa phương xây dựng kế hoạch, UBND tỉnh/TP thông qua rồi báo cáo tỉnh/thành ủy... “Chúng tôi rất băn khoăn về lộ trình đó, đòi hỏi chỉ đạo rất quyết liệt của các tỉnh, TP mới đảm bảo tiến độ. Trong khi theo kế hoạch năm 2020, từ quý I các địa phương đã phải chỉ đạo điểm đại hội xã phường, từ tháng 6 tiến hành đại hội cấp huyện, chậm nhất 30/10 phải đại hội cấp tỉnh/TP. Do đó, trên cơ sở rà soát đặc điểm của từng địa phương, đơn vị, nên quy định nơi nào cần sáp nhập thì mới phải tiến hành, theo lộ trình từng bước, nơi nào đúng tiêu chí theo Nghị quyết 37 mới làm chứ không làm tất cả sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến tâm tư của CBCC, việc triển khai nhiệm vụ chính trị năm tới. Cần cho các tỉnh/TP chủ động rà soát để xây dựng lộ trình, kế hoạch theo đặc thù của mình” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Nguyễn Hồng Thắng cho rằng: Theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy mô dân số ĐVHC được tính bằng dân số thường trú và dân số quy đổi, nhưng theo Nghị quyết 653 thì dựa vào dân số trung bình, nên tới đây trong kế hoạch triển khai cần cụ thể hơn cho địa phương thực hiện. Đáng chú ý, đại diện tỉnh Nghệ An cho rằng, cần quy định sau khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông qua phương án chính thức thì mới cần báo cáo T.Ư, chứ không thể “một lên hai xuống” trong việc báo cáo, phê duyệt… gây mất thời gian chờ đợi cho địa phương.

Dễ làm trước, khó làm sau

Trước các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định: Sau khi rà soát đưa ra số lượng cần sắp xếp bao nhiêu ĐVHC, các địa phương có thể chia ra thời gian để sắp xếp cấp xã sớm hơn, cấp huyện có thể chậm hơn. Không phải cả 631 ĐVHC cấp xã lần này đều phải sắp xếp ngay, mà theo chủ trương cái nào dễ làm trước, khó làm sau, chứ không chờ làm hết đồng loạt, cần làm từng bước để rút kinh nghiệm. Địa phương cũng cần cân nhắc vấn đề truyền thống lịch sử, văn hóa, đảm bảo sắp xếp ổn định và phát triển, không sắp xếp bằng bất cứ giá nào.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết: Chỉ tiêu 20% giảm biên chế chỉ trong mỗi năm theo kế hoạch sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã lần này đã là gấp đôi so với kế hoạch tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 (8 năm chỉ tinh giản 10%). Do đó, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ có một chính sách riêng cho việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã, huyện cũng như việc tổ chức sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh sắp tới, để lồng ghép hai chính sách chung nhằm giải quyết tốt các trường hợp cán bộ dôi dư. Trong quá trình sắp xếp cần chú trọng việc chuyển đổi giấy tờ cho người dân.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, khi các địa phương triển khai cần cố gắng tránh sáp nhập đội ngũ CBCC của 1, 2 xã vào nhau mang tính cơ học, sẽ rất khó bố trí bộ máy, nhất là lãnh đạo. Các địa phương nên có rà soát, phân loại kỹ, bởi sắp xếp này cũng là dịp để đánh giá CBCC, đảm bảo thực hiện được quan điểm chỉ đạo trong 2 nghị quyết là gắn sắp xếp ĐVHC với tinh giản bộ máy, biên chế, đảm bảo các cơ quan hoạt động hiệu lực hiệu quả, nâng chất lượng đội ngũ.