Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố Hà Nội - UBND huyện Chương Mỹ đã triển khai Kế hoạch số 270/KH-UBND về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn. Theo dự thảo phương án được huyện Chương Mỹ xây dựng, có 4 xã liên quan thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính. Trong đó, sẽ hợp nhất, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đồng Phú và xã Hồng Phong. Đồng thời, thông qua lấy ý kiến, đa số người dân đồng tình với tên gọi của đơn vị hành chính mới là Hồng Phú, xã mới có diện tích tự nhiên 7,17 km2, quy mô dân số 12.742 người.
Hợp nhất, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Phú Nam An và xã Hòa Chính thành một đơn vị hành chính mới (thông qua lấy ý kiến người dân, xã sẽ có tên Hòa Phú, với diện tích tự nhiên 8,01km2, quy mô dân số 12.435 người.
Đến nay UBND huyện Chương Mỹ tập trung chỉ đạo 4 xã thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức hội nghị quán triệt chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và của huyện đến toàn thể Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ, các ngành, đoàn thể. Đồng thời, thông qua các hội nghị, triển khai đến toàn thể người dân trên địa bàn các xã.
Đến nay huyện đã hoàn thành việc lập danh sách và niêm yết danh sách cử tri tham gia lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại trụ sở UBND 4 xã và Nhà Văn hóa các thôn. Thời gian lấy ý kiến sẽ được tiến hành từ 29 đến 31/3.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Hướng (thôn Yên Nhân, xã Hòa Chính) cho biết, đến nay người dân đã được tuyên truyền rõ về chủ trương, lợi ích của việc sắp xếp đơn vị hành chính với các xã có quy mô dân số và diện tích nhỏ.
“Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã sẽ tinh giảm được bộ máy cán bộ địa phương, không ảnh hưởng đến đời sống người dân. Chúng tôi thấy rằng, sau 1/8/2008 (khi thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới Thành phố Hà Nội và các tỉnh liên quan), mọi mặt đời sống của người dân đều thay đổi theo hướng tốt hơn”- bà Lê Thị Hướng chia sẻ thêm.
Ông Trần Văn Vinh (thôn Hoàng Xá, xã Đồng Phú) cũng cho rằng, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số và diện tích nhỏ theo hướng sáp nhập lại với nhau, sẽ mở ra không gian cho sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa bàn. Tuy nhiên, người dân cũng mong muốn, sau khi các xã được sáp nhập, cấp có thẩm quyền cân nhắc việc đặt trụ sở đơn vị hành chính ở vị trí thuận tiện cho việc đi lại của mọi người trong thực hiện các thủ tục hành chính....
Trao đổi thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Đồng Phú Phạm Văn Hải cho biết, việc sáp nhập 2 xã (Đồng Phú và Hồng Phong) ít gây ra ảnh hưởng đến đi lại của người dân. Bởi nếu đi từ xóm Mới (xóm xa nhất của xã Hồng Phong) đến trụ sở của đơn vị hành chính (đặt ở xã Đồng Phú hiện nay) chỉ xa hơn khoảng 700 mét. Ngược lại, đi từ thôn Hoàng Xá (xa nhất của xã Đồng Phú) đến trụ sở xã Hồng Phong cũng cùng khoảng cách như vậy, cộng với giao thông ở khu vực này rất thuận tiện….
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính 4 xã trên địa bàn huyện, mọi giấy tờ của người dân (giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, căn cước công dân, bằng lái xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…) vẫn giữ nguyên giá trị. Khi có nhu cầu thay đổi thông tin theo địa giới hành chính mới, người dân sẽ được cấp có thẩm quyền hỗ trợ, việc này được thực hiện miễn phí.
“Nguyên quán của tôi ở xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, nay xã này đã sáp nhập về thị trấn Chúc Sơn, nhưng mọi giấy tờ cũ của tôi (giấy khai sinh, bằng cấp) vẫn giữ nguyên giá trị, vì vậy người dân không phải băn khoăn”- ông Hoàng Minh Hiến nêu ví dụ.