Viễn cảnh của dịch Covid-19
Viễn cảnh 1: Dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát sau 1 năm. Dịch bệnh truyền nhiễm sẽ chấm dứt khi nào giới khoa học có vaccine đặc chủng. Nhưng cho đến nay thế giới chưa có vaccine cho SARS-CoV-2. Mặc dù đã có vài thử nghiệm vaccine nhưng cũng phải chờ ít nhất là 1 năm để vaccine có mặt trên thị trường. Trước đây, dịch SARS xảy ra vào tháng 2/2003 và các biện pháp can thiệp y tế công cộng được triển khai nhanh chóng. Đến giữa tháng 7/2003 thì đa số các nước tuyên bố là đã dứt dịch và đến đầu năm 2004 thì SARS coi như chấm dứt. Do đó, với biện pháp y tế công cộng như hiện nay, dịch Covid-19 có thể sẽ còn với chúng ta cho đến cuối năm 2020.
Viễn cảnh 2: Giới dịch tễ học xem dịch bệnh truyền nhiễm như lửa; mà trong đó virus là ngọn lửa và con người là củi. Đến một lúc nào đó ngọn lửa sẽ tàn khi củi không còn nữa. Tương tự, dịch bệnh truyền nhiễm sẽ “tàn lụi” khi virus không tìm thấy người lý tưởng để nhiễm.
Viễn cảnh 3: SARS-CoV-2 sẽ trở thành một trong đại gia đình virus thông thường với chúng ta. Virus H1N1 trước đây (2009) bùng phát thành một đại dịch (pandemic), nhưng sau một thời gian nó trở thành một phần của quần thể virus sống chung với cộng đồng con người. Hiện nay, đã có 4 chủng coronavirus sống chung với cộng đồng con người và gây ra cảm cúm mỗi năm. Mặc dù chẳng ai muốn có thêm coronavirus, nhưng cũng khó có thể tiêu diệt chúng hoàn toàn, và có thể chúng ta phải chấp nhận sống chung với một thành viên thứ 5 trong gia đình corona virus.
Tuy nhiên, trong khi quan tâm, lo ngại đến dịch Covid-19, đừng quên rằng dịch cúm mùa giết chết rất nhiều người hàng năm. Chỉ riêng ở Mỹ tính đến tháng 2/2020 có ít nhất 16.000 người chết vì cúm mùa.
Bệnh nhân tiểu đường nguy cơ tử vong cao
Trong nhóm người bị nhiễm SARS-CoV-2, những bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ tử vong cao gấp 8 lần so với người không bị tiểu đường.
Một công trình nghiên cứu mới công bố năm ngoái tìm câu trả lời tại sao bệnh nhân tiểu đường bị nhiễm MERS-CoV có nguy cơ tử vong cao. Họ làm nghiên cứu trên chuột (vì là mô hình dễ hơn) và kết quả có thể tóm lược như sau. Thứ nhất, ở chuột tiểu đường các virus này nhân bản không cao hơn so với chuột không bị tiểu đường. Thứ hai, chuột tiểu đường có nồng độ cytokines và số tế bào T thấp hơn nhóm chứng.
Tiểu đường có thể xem là một bệnh lý liên quan đến hệ thống miễn dịch. Con người chúng ta có hai hệ miễn dịch: Nội sinh hay nội tại và thích ứng. Hệ thống miễn dịch nội sinh có nhiệm vụ bảo vệ vật chủ (người), và nó làm việc này bằng cách nhận dạng các siêu vi khuẩn (tạm xem là “kẻ thù”) xem chúng có gì và đi với ai, rồi sau đó gửi tín hiệu báo động đến các cơ phận khác để phòng thủ hoặc tấn công kẻ thù.
Khi tế bào bị virus tấn công, một hệ thống phòng thủ được kích hoạt. Tế bào sẽ tiết ra một protein có tên là interferon. Protein interferon kích thoạt một loạt hoạt động chống virus. Các hoạt động này bao gồm đóng cửa “nhà máy” sản xuất protein để làm cho tế bào chết đi, và như thế thì virus sẽ khó có đường xâm nhập.
Nhưng điều không may là đa số các hoạt động phòng vệ này cũng gây tác động tiêu cực đến các cơ phận khác. Khi hệ thống miễn dịch nội sinh phải dồn công sức để chống trả virus, thì cái giá phải trả là lơ là chống trả các mầm bệnh khác như tiểu đường. Điều này giải thích tại sao đa số các bệnh nhân chết trong trận dịch SARS trước đây hay Covid-19 lần này là những người đã mắc bệnh liên quan đến hệ tự miễn dịch như tiểu đường hay bị nhiễm trùng thứ phát.
Tóm lại, xâu chuỗi những kiến thức trên cho chúng ta vài bài học thực tế. Bệnh nhân tiểu đường cần phải hết sức cẩn thận không để bị lây nhiễm SARS-CoV hay SARS-CoV-2, vì nếu bị lây nhiễm thì nguy cơ tử vong sẽ tăng rất cao, vì hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá. Đối với bệnh nhân tiểu đường bị nhiễm SARS-Cov hay SARS-CoV-2, các chuyên gia khuyến cáo là việc điều trị không chỉ dùng antibiotics mà còn phải tích cực điều trị bệnh nền (tiểu đường).