Trong bối cảnh các quan chức chính quyền London không đạt được nhiều tiến bộ với EU trong vòng đàm phán thứ 3 về Brexit, lãnh đạo Anh biết rằng cần phải xây dựng một liên minh thương mại càng sớm càng tốt để bù đắp lại tổn thất khi rời bỏ cộng đồng kinh tế châu Âu.
Nhật Bản
Thủ tướng Anh đã thăm Nhật Bản với mục tiêu thúc đẩy một thỏa thuận thương mại song phương. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Nhật Bản lại tỏ ra khá thận trọng và muốn trì hoãn các cuộc thảo luận cho đến khi vị trí của Anh sau Brexit trở nên rõ ràng hơn.
Mỹ
Trong bối cảnh đó, Mỹ nổi lên như một “cảng trú bão” an toàn và dường như là duy nhất với Anh. Nền kinh tế số một thế giới đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của London, với thương mại giữa 2 nước trị giá khoảng 230 tỷ USD mỗi năm và đầu tư hai chiều lên đến 1.000 tỷ USD.
Thỏa thuận thương mại song phương giữa Anh và Mỹ cũng không hề dễ dàng. |
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, những người ủng hộ Brexit lại càng có được sự hậu thuẫn rõ ràng và mạnh mẽ. Vốn chủ trương bảo hộ thương mại, Tổng thống Mỹ đã ca ngợi quyết định rời EU của Anh và cho rằng, 2 nước sẽ có một thoả thuận thương mại lớn và hấp dẫn trong tương lai.
Chính quyền Thủ tướng May vì vậy rất coi trọng mối quan hệ với Mỹ. Bà là nhà lãnh đạo đầu tiên có cuộc gặp với Tổng thống Trump sau khi nhậm chức. Cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo diễn ra với không khí thân thiện, trái ngược hẳn với cuộc gặp giữa ông Trump và Thủ tướng Đức Merkel sau đó.
Thực tế, Mỹ cũng mong muốn tiếp cận thị trường Anh với nguyên nhân chủ yếu là để xuất khẩu mặt hàng lương thực. Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng khi hàng hóa Mỹ được cho là không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của Anh. Những người phản đối cho rằng, thịt gà nhập khẩu từ Mỹ không đảm bảo chất lượng do được làm sạch bằng clo, còn ngũ cốc xuất xứ từ Mỹ là sản phẩm biến đổi gen. Do vậy, nếu các sản phẩm này được nhập vào Anh, nông dân và các nhà khoa học sẽ lên tiếng phản đối và gây tổn hại cho bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa 2 nước. Hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và châu ÂU (TTIP) cũng từng vấp phải sự phản đối tương tự.
Một nguy cơ nữa là việc ông Trump không “được lòng” cộng đồng quốc tế và người dân trong nước. Chuyến thăm viếng cấp nhà nước dự kiến diễn ra trong năm nay của Tổng thống Mỹ đến Anh có thể sẽ được hoãn lại.
Trung Quốc
Nhiều người cũng nhắc đến một hiệp định thương mại song phương giữa Anh và Trung Quốc - quốc gia đã đầu tư khoảng 14 tỷ USD vào Anh từ đầu năm 2016. Tuy nhiên, Bertram Lang - nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator tại Berlin, Đức lại tỏ ra không mấy lạc quan. Theo ông, Brexit sẽ chấm dứt vai trò của Anh như là một cánh cửa tiến vào châu Âu và sức hấp dẫn của London đối với Bắc Kinh sẽ suy yếu.
Nhà nghiên cứu kinh tế Simon Bevan của Grant Thornton cho biết, về mặt thương mại hàng hóa, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Trung Quốc (sau Mỹ) và là nguồn nhập khẩu lớn nhất. "Vương quốc Anh nhỏ hơn toàn bộ EU, thậm chí không phải là thành viên lớn nhất của EU về mặt kinh tế. Liệu Trung Quốc có quan tâm đến thị trường Anh hơn là ở EU? Chắc chắn là không”, ông nói.
Trong khi đó, các chuyên gia đã tính toán về cái giá mà Anh phải trả ngay trước khi đạt được thỏa thuận chính thức với EU. Đó là việc các ngân hàng nước ngoài đang thảo luận về việc chuyển trụ sở cùng hàng nghìn công việc khỏi thành phố London trong khi đồng Bảng thì rớt giá.