Ngày 21/3 trên website Công ty CP xi măng Sông Lam (Tập đoàn xi măng Vissai) phát đi thông báo gửi các khách hàng về việc điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm xi măng bao, rời, mức điều chỉnh giá bán tăng đối với xi măng bao từ 50.000 đồng/tấn và xi măng rời tăng 40.000 đồng/tấn, áp dụng từ ngày 1/4/2019. Không chỉ Công ty CP xi măng Sông Lam mới tăng giá bán mà hàng loạt các đơn vị khác cũng có thông báo điều chỉnh tăng giá bán với mặt hàng xi măng rời và bao như: Vicem Hoàng Thạch tăng từ 20.000 -50.000 đồng/tấn; Vicem Hạ Long từ 20.000 - 30.000 đồng/tấn; Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Nghi Sơn, Cẩm Phả cùng tăng 30.000 đồng/tấn… Một số DN như: Vissai Ninh Bình, Xi măng Sông Lam, Xi măng Đồng Lâm, Xi măng Công Thanh… cũng sẽ điều chỉnh giá bán xi măng bắt đầu từ ngày 1/4/2019.Tương tự, mặt hàng sắt thép xây dựng cũng đã công bố tăng giá bán từ 100.000-200.000 đồng/tấn. Cụ thể: Công ty sản xuất thép Australia SSE (SSE Steel) tăng giá bán thép cây D10 thêm 100.000 đồng/tấn, đối với thép cây và thép cuộn tăng thêm 200.000 đồng/tấn. Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) cũng nâng giá thép thành phẩm, trong đó thép thanh vằn D10 tăng 200.000 đồng/tấn, thép cuộn, D12 và D14 trở lên tăng 150.000 đồng/tấn. Giá các sản phẩm thép xây dựng dự án các loại cũng tăng 150.000 đồng/tấn. Lý giải về vấn đề tăng giá bán, các công ty xi măng đều có chung ý kiến: Hiện chi phí điện chiếm trên 10% chi phí sản xuất. Nếu áp giá mới, sản xuất clinker đội thêm khoảng 7.500 đồng/tấn và xi măng tăng thêm khoảng 20.000 đồng/tấn. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay mặt hàng than do Tập đoàn Than và Khoáng sản cung ứng không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước đã khiến nhiều DN xi măng phải nhập khẩu than với giá cao. Đối với ngành thép từ đầu năm đến nay giá quặng sắt và phôi thép trên thế giới tăng cao. Ngoài ra, do thuế nhập khẩu thép cao nên lượng thép Trung Quốc vào Việt Nam cũng hạn chế, cộng với giá than, giá xăng dầu, giá điện tăng đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thép. Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nêu rõ: Việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm bởi sản lượng từ các cơ sở sản xuất theo công nghệ điện hồ quang EAF chiếm đến 65% tổng sản lượng sản xuất thép trong nước, trong khi giá điện thường chiếm 8 - 9% chi phí sản xuất. Vì vậy các DN sản xuất thép sử dụng công nghệ điện hồ quang EAF như Pomina hay Vinakyoei sẽ chịu tác động lớn hơn từ việc tăng giá điện. Việc chi phí đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao nên các DN sản xuất xi măng, sắt thép phải điều chỉnh tăng giá để bù đắp nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh là điều khó tránh khỏi.