Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau khi giá xăng tăng: Đổi xe tay ga sang xe số

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trước áp lực giá xăng tăng kỷ lục nhiều bạn trẻ đã lập tức phải đưa ra các biện pháp “ứng phó” cho việc đi lại của mình. Khẩu hiệu “Nói không với xe máy” đang được họ truyền đi khắp nơi.

KTĐT - Trước áp lực giá xăng tăng kỷ lục nhiều bạn trẻ đã lập tức phải đưa ra các biện pháp “ứng phó” cho việc đi lại của mình. Khẩu hiệu “Nói không với xe máy” đang được họ truyền đi khắp nơi.

Cơn sóng giá xăng như “đánh gục” mọi cố gắng cuối cùng của những SV xa nhà may mắn sắm được chiếc xe máy làm phương tiện cho việc đi lại. Sau Tết, khi giá xăng “nhảy” lên thêm 3.000 đồng/lít, không ít người đã phải loay hoay với xe máy như hạn chế đi lại, học cách đi xe tiết kiệm. Nhưng giá xăng lại tăng thì việc “tẩy chay” xe máy lại càng rầm rộ.

Xài hết lượng xăng trong bình sau khi giá xăng tăng vào tối 29/3, Nguyễn Văn Quang, SV trường CĐ Nguyễn Tất Thành không còn chút đắn đo mà gửi xe về quê trả lại cho bố mẹ ngay lập tức. Dù việc lại bằng xe buýt khá khó khăn vì trọ trong hẻm sâu, tuyến đường bất tiện nhưng Quang không trụ nổi với xe máy thêm ngày nào nữa.

“Có con xe “nuôi” không nổi đúng là cũng đau thật nhưng thầy u gửi tiền hàng tháng vẫn từng đó, mình đi làm thêm cũng đã hết thời gian mà các khoản tiền chi tiêu hàng ngày đều tăng, lấy đâu mà “nuôi” xe. Thôi, gửi về quê bỏ vào kho chứ xăng hơn 21.000 đồng bố mẹ cũng chẳng dám đi đâu”, Quang nói.

Tại khu trọ của Quang, nhiều SV và cả những người đã đi làm cũng phản ứng mạnh sau khi giá xăng lập kỷ lục. Người thì đi xe buýt, người lập tức lên phương án đi xe đạp bất chấp đường xa. Với những người vẫn cầm cự chiếc xe phục vụ cho việc đi lại dường như luôn trong trạng thái… bất an.

Cao Văn Thắng, nhân viên thiết kế của một công ty quảng cáo tại Q.3 cho hay cứ mỗi lần dắt xe máy ra khỏi phòng là… cậu sợ. “Mình hạn chế việc đi lại bằng xe máy đến mức tối đa có thể. Mỗi lần kim chỉ bình xăng lùi xuống là… sởn tóc gáy. Trước 50.000 đồng đổ đầy bình, giờ phải gần 70.000 mà vẫn chơi vơi”.

Thu nhập 4 triệu đồng, trong đó tiền nhà trọ, điện nước đã “ngốn” trên một triệu nên cuộc sống của Thắng trở nên chật vật hơn khi giá cả mọi thứ tăng. “Là con trai, trước giờ mình làm rồi tiêu mấy khi để ý giá cả. Thế mà gần đây, nhận lương vài hôm là hết vèo, phải vay tiền thanh toán tiền nhà, tiền ăn uống thì không làm ngơ được nữa. Bây giờ, xăng xe, điện nước luẩn quẩn suốt trong đầu”, Thắng thật tình.

Cậu thanh niên đang muốn “dứt” khỏi xe máy nhưng điều kiện chưa cho phép: “Có lẽ mình sẽ cân nhắc để đổi sang chiếc xe 50 phân khối, đi cho tiết kiệm”.

Con nhà giàu cũng bỏ tay ga

Không chỉ với những bạn trẻ “bình dân” mà đến ngay cả những người có điều kiện khá khẩm hơn cũng đã phải đặt xe máy lên “bàn cân” khi giá xăng tăng. Tâm, SV năm 3 trường RMIT cho hay, khi giá xăng tăng đợt trước đã rất lấn cấn với chiếc xe ga được phong là “dũng sĩ diệt xăng” nhưng vẫn cố cắt giảm tiền cà phê, ăn uống để đổ xăng. Nhưng đến nay chi tiêu cá nhân đã giảm đến mức không giảm thêm được nữa mà xăng lại tăng thì cô phải quyết định nhường xe ga cho bố, đổi sang chiếc Ware cũ.

Theo Tâm, với 400.000 đồng tiền xăng mỗi tháng bố mẹ cho, Tâm bỏ thêm tiền túi nhưng đã “đuối sức”. Cô đi học tận bên Q.7, cách nhà hơn 15 cây số, với “dũng sĩ diệt xăng” số tiền trên chỉ được được khoảng 3 tuần. “Em đi xe ga lâu rồi, đổi sang xe số cũng… khó nhằn thật nhưng đó là cách tốt nhất lúc này. Bị “ép” đi xe ga, bố em cũng đang kêu trời”. Tâm kể.

Nhiều bạn trẻ đang ấp ủ dự định sắm xe máy thời điểm này cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Thay vì mất cả vài chục triệu sắm một chiếc xe máy mới, có người chuyển sang mua xe đạp, hay chọn những loại xe tiết kiệm xăng.

Lê Việt Hà, SV năm cuối trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết dự tính ra trường bố mẹ sẽ mua cho chiếc máy để đi làm. Lúc đầu, Hà chọn xe tay ga nhưng giờ… quay ngoắt sang mua xe 50 phân khối. “Bố mẹ cho xe nhưng “nuôi” xe lại là ở mình. Chuẩn bị ra trường mà cứ phải lo chuyện xăng xe thì tập trung đi xin việc sao được. Nên mình chọn xe phân khối thấp cho lành”.