Sau dịp nghỉ Tết, lượng lớn sinh viên trở lại Hà Nội lại phải đối mặt với tình trạng nhà trọ tăng giá. Cuộc sống vốn đã eo hẹp của sinh viên càng thêm phần khốn khó. Không ít người đã phải di chuyển tới những vùng ngoại thành xa xôi, hoặc những khu trọ "ổ chuột" để tránh áp lực "bão giá"…
Theo khảo sát tại một số khu vực nhiều sinh viên thuê trọ: Dịch Vọng, Mỹ Đình, Phú Diễn, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế… hầu hết đều đã có mức giá mới, tăng trung bình từ 50-100 ngàn/phòng. Tại Dịch Vọng, trước Tết, một căn phòng diện tích 12m2 có trần nhựa, gạch lát, vệ sinh khép kín, giá từ 800 ngàn tới 1 triệu đồng thì nay sinh viên phải thuê với mức 1,2 triệu đồng. Càng đi sâu vào ngõ ngách, giá có giảm xuống đôi chút, nhưng đi lại rất bất tiện.
Các khu nhà trọ giá rẻ: Xuân Phương, Nhổn… nay cũng đồng loạt tăng giá. Giá một căn phòng 10m2, nền xi măng, vệ sinh chung cũng đã tăng từ 400 ngàn lên 500 ngàn đồng. Tới một khu trọ được quảng cáo là "giá bình dân" ở Xuân Phương, chỉ là dãy nhà trọ lụp xụp, trần lợp cót, nền nhà bong tróc, nhà vệ sinh mọc rêu xanh, chủ nhà hét giá 600 ngàn đồng/phòng, chưa kể điện nước.
Chị Nguyễn Thu Trang, chủ một dãy trọ 11 phòng tại ngõ 175 đường Xuân Thuỷ cho hay: "Mấy hôm nay liên tiếp có người tới hỏi thuê phòng. So với trước Tết, giá cả có nhích lên đôi chút do tình hình trượt giá chung".
Cùng với giá nhà, giá điện nước cũng tăng cao trong thời điểm này. Mức giá nước các chủ nhà thường thu là 8 ngàn đồng/m3, thay vì 5 ngàn đồng/m3 như trước Tết. Giá điện cũng tăng từ 2500 đồng/số lên 3.000 đồng/số, thậm chí có nơi thu tới 3.500 đồng/số.
Sở dĩ giá nhà trọ tăng cao trong dịp sau Tết là do từ trước Tết, rất đông sinh viên trả phòng về quê để tiết kiệm chi phí, ra Tết thuê lại. Thêm nữa, hiện nay nhiều khu nhà trọ được xây mới đẹp hơn nên giá cả cũng phải tăng cho phù hợp.
Cùng một căn phòng diện tích 10m2, nếu thuê ở Tây Tựu chỉ có giá từ 300-350 ngàn đồng/phòng. Tuy nhiên, điều kiện ăn ở vệ sinh ở đây đều không đảm bảo. Các căn phòng đều xập xệ, cũ nát do đã xây dựng từ quá lâu.
Xóm trọ của bà Lê Thị Vui (thôn Ngọc Trục, Đại Mỗ) nằm bên cạnh con kênh thoát nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Cả dãy 16 phòng trọ mà chỉ có 1 nhà vệ sinh, 2 nhà tắm. Gọi là nhà tắm nhưng thực chất chỉ là gian bếp rách nát, được che chắn bởi phông bạt, nilon để dùng tạm. Theo Đỗ Thị Hương (Đại học Công nghiệp Hà Nội), vào mùa hè, gần 50 con người ở xóm phải đứng xếp hàng đi tắm, nhiều khi phải tới 2h sáng mới hết lượt.
Di chuyển về các xã ngoại thành, ngoài lợi thế giá rẻ thì giá cả sinh hoạt cũng phù hợp với túi tiền ít ỏi của cánh sinh viên nghèo. Hoàng Mạnh Thắng (Học viện Ngân hàng) cho hay: "Em ở trọ cách trường 18km, sáng nào cũng phải dậy từ 5h, bắt xe buýt đi học mới kịp giờ. Ở đây, đi lại vất vả nhưng mỗi tháng có thể tiết kiệm được từ 200-300 ngàn đồng. Số tiền ấy em có thể mua sách để học tập".
Câu chuyện an cư sau Tết xem ra vẫn còn khiến không ít sinh viên phải đau đầu.